Cuộc sống

Nhà đẻ cách nhà chồng vỏn vẹn 5km, năm nào hết nhẵn Tết vợ mới được về

Cô lấy chồng đã 3 năm, nhà chồng cách nhà đẻ vỏn vẹn 5km, nhưng cả 3 năm nay cứ hết nhẵn Tết cô mới được về nhà đẻ ăn Tết!

Bố chồng Hiên là trưởng họ, đến chồng cô lại chỉ là con trai một, trên anh có chị gái nữa mà thôi. Cô về làm vợ anh, trở thành dâu trưởng. Bình thường không sao, mà những dịp cỗ bàn, đặc biệt là Tết, cô mới thấm nỗi tủi thân và nhọc nhằn. Cô lấy chồng đã 3 năm, nhà chồng cách nhà đẻ vỏn vẹn 5km, nhưng cả 3 năm nay cứ hết nhẵn Tết cô mới được về nhà đẻ ăn Tết!

Tết năm đầu tiên về làm dâu, mẹ chồng cô nói ám chỉ xa xôi “dâu mới thì phải ở nhà chồng phục vụ khách khứa”. Nhà cô rõ là nhiều khách, từ mùng 1 tới mùng 5 mới vãn. Mà khách họ hàng tới nhà luôn phải cơm rượu, chứ không nước chè, bánh kẹo như người quen bình thường. Cô là đối tượng mặc định phải cặm cụi dưới bếp, sau đó thì dọn dẹp, rửa dọn, tiếp tục chờ lượt khách tiếp theo.

Mùng 2 Tết, cô xin phép bố mẹ chồng cho vợ chồng cô về nhà mẹ đẻ mình chúc Tết, bà chép miệng: “Con đi thì ở nhà biết làm thế nào? Thôi để bố mày với thằng Hưng sang bên ấy chúc Tết là được…”. Dâu mới hay dâu cũ thì cũng không tiện cãi lại mẹ chồng, cô ngậm ngùi vâng lời bà. Đến mùng 6, khi người ta đã hết Tết, chuẩn bị quay lại đi làm, cô mới rảnh ra tranh thủ về nhà mẹ đẻ. Tết đã tàn, còn gì mà ăn Tết nữa!

Ảnh minh họa

Cái Tết thứ hai ở nhà chồng, cô “cứng” hơn, kiên quyết bảo với chồng mùng 2 sẽ về ngoại 1 ngày. Chồng đề đạt với bố mẹ chồng, lập tức bị ông bà gạt đi ngay: “Thế định để ngày Tết ông bà già này vào bếp nấu nướng đãi khách à? Thiên hạ người ta cười cho thối mũi!”. Mẹ chồng cô còn nói thêm: “Phận làm dâu phải vậy con ạ, mẹ lấy bố mày cũng như mày lấy thằng Hưng ấy, bao năm mẹ cũng chả về ngoại ăn Tết, có làm sao đâu…”. Cô không phủ nhận mẹ chồng đã từng trải qua những ngày tháng như thế, nhưng nhà mẹ đẻ cô cách đây có 5km thôi, chẳng nhẽ cả dịp Tết chẳng ngày nào có mặt ở nhà?

Chồng thở dài khuyên nhủ cô: “Em cố gắng một chút nhé, cơ bản vì nhà mình nhiều khách khứa, lại là trưởng họ lắm con mắt nhìn vào. Bố mẹ không phải khắt khe quá với em đâu, bình thường em cũng thấy ông bà sống thế nào rồi đấy. Nhưng dịp Tết khách đến nhà, lại chẳng thấy con dâu đâu, em xem người ta sẽ bàn ra tán vào như nào?”.

Cô công nhận, bình thường bố mẹ chồng khá tốt, không đến nỗi nào. Song cả năm mới có vài ngày Tết, ngày để các gia đình sum vầy, quây quần bên nhau… Thôi vậy, nể chồng đã khuyên nhủ… Thế là cả cái Tết, cô được chồng phụ thêm một ít, vì lúc này cô đang mang bầu mà thôi.

Năm thứ 3, lúc này cô đã sinh bé được 7 tháng. Tết nhất cho cháu về chơi với ông bà, họ hàng bên ngoại, nhận lì xì của mọi người là việc cô vô cùng mong mỏi, khao khát. Nhưng đáp lại cô vẫn là những cái lắc đầu của bố mẹ chồng. “Con muốn nhà này khỏi Tết nữa thì con cứ cho con về ngoại đi!”, bố chồng cô giận dữ.

Mẹ chồng cô tận tình giải thích: “Con phải hiểu, lúc con chưa về đây, mẹ phải là người đảm trách nhiệm vụ đó, nhưng con lúc này là con dâu trong nhà, con là người phải làm. Không phải chỉ bố mẹ phân công như vậy, hay mẹ lười muốn đủn hết cho con, mà cả làng trên xóm dưới người ta cũng đều như thế cả. Nếu mình làm khác đi, người bị đánh giá không tốt chính là con! Có mấy ngày Tết con cố gắng chịu đựng, hết Tết thích về lúc nào bố mẹ có cấm đâu”.

Ảnh minh họa

Cô hiểu có những luật bất thành văn nhưng lại có sức ảnh hưởng lớn, nhưng chẳng lẽ vì mấy cái quan niệm cổ hủ ấy mà cô phải hi sinh việc về ngoại dịp Tết, trong khi khoảng cách gần như vậy? Cả năm mới có một lần, cô đã nhịn qua 2 năm rồi…

Cô khóc lóc giãi bày với chồng, hi vọng chồng đứng về phía mình. Nhưng anh lại lạnh lùng đáp: “Mấy năm rồi mà em vẫn chưa hiểu ra vấn đề à? Em cần nghĩ thông suốt, em hiểu không? Tại sao lại là em cắt khẩu nhập vào nhà anh, mà không phải ngược lại? Em bây giờ đã là người nhà anh, vì thế em cần phải hoàn thành những công việc bên nội trước, sau đó hãy nghĩ đến những chuyện khác. Em về ngoại, thế việc của em thì để ai làm? Mẹ anh già rồi, bà cũng đã làm cả đời, bà lại có bệnh đau lưng. Anh hỏi em, nếu đó là mẹ đẻ em, em có nỡ lòng để bà ở nhà làm việc trong khi mình đi chơi không? Hay không cần đãi khách nữa?

Anh hứa sẽ giúp đỡ em nhiều hơn trong dịp Tết, còn việc ủng hộ em về ngoại, anh không làm được. Đừng bắt anh phải chống lại bố mẹ, cơ bản anh thấy bố mẹ không vô lí, ông bà hành động theo lẽ thường mà thôi. Có anh với bố năm nào cũng sang nhà em chơi Tết rồi chứ có phải bỏ bê không quan tâm tới thông gia đâu”.

Chồng đã nói thế, cô biết mình còn mè nheo đòi về ngoại nữa thể nào cũng xảy ra chuyện lớn. Vậy là cô đành ngậm ngùi đón cái Tết thứ 3 ở nhà chồng, mùng 6 mới được về ngoại.

Năm nay, mới ngoài 20 Âm lịch, chồng cô đã dáo trước: “Năm nay, anh sẽ cho con về ngoại, em đừng có những suy nghĩ gì khác thường đấy. Bố mẹ cũng ghi nhận công lao của em, em ngoan thì ông bà chẳng tiếc gì đâu, nhớ kĩ chưa?”. Cô im lặng, thở dài thườn thượt trong lòng. Nhà chồng cô kiên quyết như thế, trừ phi cô muốn ly hôn thì hãy “vùng lên”, còn không lại đành chấp nhận một cái Tết nữa không được về ngoại…

Tác giả: Phạm Giang

Nguồn tin: helino.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP