Ông Quỳnh khai: “Khoản tiền PVN góp vốn 20% vào Ngân hàng Đại Dương tương đương số tiền 800 tỉ và PVN góp vốn chia làm 3 lần”. Việc góp vốn, đến năm 2013 PVN vẫn có lợi nhuận và được chia cổ tức từ Oceanbank. Theo ông Quỳnh, Oceanbank cũng chỉ là một trong những ngân hàng mà PVN gửi tiền để thuận lợi trong các giao dịch. Thời hạn gửi cao nhất là gửi 6 tháng, thấp nhất là 1 tháng.
Tòa hỏi: “Việc đầu tư của PVN vào Ngân hàng Đại Dương đã được Chính Phủ cho phép. Theo cá nhân ông, việc này có hợp lý không?”. “Trong giai đoạn này các Tập đoàn kinh tế được quyền góp vốn tại các ngân hàng, cá nhân tôi thì điều này là bình thường”, ông Quỳnh nói.
Ông Quỳnh cũng khai, khi gửi tiền vào Oceanbank, phía PVN không chịu bất kỳ áp lực nào và phía PVN cũng chưa bao giờ nhận tiền “chăm sóc khách hàng” từ Oceanbank.
Chủ tọa Trần Nam Hà đặt câu hỏi: “Từ hôm qua đến nay, từ bị cáo Sơn và bị cáo khác đều thừa nhận chi tiền “chăm sóc khách hàng” khi gửi tiền vào Ngân hàng Đại Dương, thậm chí có người gửi vài chục triệu cũng được chăm sóc nhất định. Trong khi có thời điểm, PVN gửi 11 nghìn tỉ vào Ngân hàng Đại Dương tại sao lại không có khoản chăm sóc ấy?”.
“Nhiều Tập đoàn con vướng vào vụ án Huyền Như. Chúng tôi đã kịp thời nhắc nhở, chỉ đạo nhân viên soạn văn bản nhắc nhở về việc nhận lãi ngoài. Nhận thức đây là việc làm không đúng quy định. Kính xin Hội đồng xét xử, tôi chưa bao giờ nhận tiền từ anh Nguyễn Xuân Sơn, lãi ngoài thì càng không có”, ông Quỳnh trần tình.
Về quan hệ với bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, ông Quỳnh cho biết, giữa hai người có mâu thuẫn và cảnh giác nhau trong công việc. Sự việc bắt nguồn vào năm 2010, khi PVN bổ nhiệm phó tổng giám đốc phụ trách tài chính, ông Quỳnh và bị cáo Sơn đều nằm trong quy hoạch. Lúc bấy giờ nhiều người giới thiệu ông Quỳnh vào chức danh này.
Ông Quỳnh khai: “Tôi tự tin sẽ được bổ nhiệm vì năng lực uy tín tôi hơn anh Sơn . Tuy nhiên, sau đó bị cáo Sơn lên chức và tôi không phục anh Sơn. Khi anh Sơn lên Phó tổng giám đốc rất coi thường tôi”.
Tác giả bài viết: Hà An
Nguồn tin: