Xã hội

Người phụ nữ Cần Thơ suốt 60 năm sống chung với ngôi mộ lạ, ngày nào cũng thắp nhang giờ ra sao?

Khi dọn về nhà cũ ở, cụ Hai Sang thấy khoẻ khoắn và minh mẫn hơn rất nhiều. Cụ bảo có lẽ do được trở về với nơi đã sống – gắn bó hơn 60 năm nên tinh thần thoải mái, từ đó sức khoẻ đi lên rất nhiều.

Chuyện cụ Hai Sang (87 tuổi, ngụ TP.Cần Thơ) “sống chung” với ngôi mộ lạ suốt 60 năm, ngày nào cũng thắp 4 nén nhang đã không còn xa lạ đối với người dân trong vùng cũng như dư luận. Ai cũng ngưỡng mộ sự “bạo gan” và tấm chân tình của cụ dành cho người đã khuất. Song có người hi vọng rằng con cái sớm đón cụ về để chăm sóc, báo hiếu bởi ở mãi nơi đó không tốt cho sức khoẻ người lớn tuổi.

Sau đó dư luận mừng rỡ trước thông tin cụ Hai Sang đã được người con gái thứ 2 đón về phụng dưỡng. Còn ngôi nhà “chứa” ngôi mộ khoá chặt cửa, thi thoảng mới có người đến quét dọn, thắp nén nhang thơm.

Từ ấy mọi người cứ ngỡ cụ Hai Sang sẽ không quay trở về căn nhà được dựng bằng tôn đã sét gỉ nữa. Ngờ đâu cụ đã sớm trở lại vì quá… nhớ nhà. Cụ tâm sự: “Bữa trước, tôi bị bệnh hoài không khỏi, phải đi nhà thương để bác sĩ chữa trị. Sau đó con gái thứ 2 quyết định rước tôi về nhà nó để tiện cho việc chăm sóc, phụng dưỡng.

Tôi nghe thấy hợp lý nên đồng ý qua đó ở một thời gian xem như thế nào. Tôi ở được nửa tháng trời thì thấy bực bội, bí bách… Nhà nó rộng thênh thang, đi làm cả nên có mỗi mình tôi ở, nhòm qua nhòm lại chỉ thấy 4 bức tường. Vì thế tôi kiên quyết đòi về nhà cho thoải mái, lại quen cái không khí ở đó”.

Cụ Hai Sang bỗng trầm buồn nhớ lại quãng thời gian bệnh tật.

Khi dọn về nhà cũ ở, cụ Hai Sang thấy khoẻ khoắn và minh mẫn hơn rất nhiều. Cụ bảo có lẽ do được trở về với nơi đã sống – gắn bó hơn 60 năm nên tinh thần thoải mái, từ đó sức khoẻ đi lên rất nhiều.

Thi thoảng, 4 người con có quay trở về thăm nom, sắm cái này cái kia nhưng cụ không quen ăn đồ xịn, cũng chẳng hợp với sữa bột. Cụ chỉ thích ăn cơm với cá, với rau do chính tay cụ trồng trên mảnh đất đang ở.

“Nhiều người khuyên tôi nên về ở với các con, để có trái gió trở bệnh thì có người biết và chăm sóc. Tôi khua tay lắc đầu rồi giải thích nhà tôi, tôi ở, cớ chi phải ở cùng con cháu làm chi. Chúng nó đi mần, kiếm tiền nuôi vợ nuôi con… thêm tôi lại càng vướng bận hơn. Tôi chỉ cần chúng nó qua chơi, hỏi thăm dăm ba câu là đủ”, người phụ nữ 87 tuổi thành thật.

Vừa dứt lời, cụ Hai Sang hướng ánh mắt về phía ngôi mộ - nằm giữa nhà. Cụ từ từ kể rằng xưa mảnh đất này là khu nghĩa địa. Còn nhà cụ ở gần đó nhưng vì con cái đông, lại làm ăn thua lỗ nên đành phải bán nhà. Cụ không còn nơi ở nên cất tạm nhà nhỏ quây quanh ngôi mộ cho đến tận hôm nay.

“Sau đó không lâu, các con của tôi lên Sài Gòn lập nghiệp. Năm 2009, chồng tôi qua đời. Tôi quyết định xin chính quyền cho mình sống trong căn nhà này.

Vài năm sau, chính quyền quy hoạch khu nghĩa địa thành chỗ ở của dân, nhà cửa mọc lên san sát. Các mộ phần được người thân lấy hài cốt chôn ở nơi khác. Song ngôi mộ này vẫn nằm nguyên ở đây”, cụ Sang cho hay.

Với cụ, ngôi mộ của bà Có là một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày.

Về thân thế của người nằm trong ngôi mộ, cụ Hai Sang cho biết đây là phần bộ của bà Nguyễn Thị Có – vốn là tiểu thương buôn vải có tiếng ở thành phố. Năm 43 tuổi, bà hạ sinh con gái út rồi không may qua đời. Gia đình đã chôn cất bà ngay tại khu nghĩa trang.

“Các con của bà ấy sống quanh đây thôi! Bữa chính quyền yêu cầu gia đình di rời mộ của bà Có đi. Song mấy đứa nói rằng nhà đông anh em, cần phải bàn tính xem ngày nào đẹp sẽ di rời. Vậy mà giờ tôi chưa thấy gì cả. Tôi cũng quen sống cùng ngôi mộ của bà ấy, xem như người thân đã mất”, cụ bà miền Tây tâm sự.

Từ hồi sống ở đây, tự tâm cụ Hai Sang bảo cụ phải chăm sóc mộ phần chu đáo, không để bà Có cảm thấy lạnh lẽo khi sống cùng mình. Vì thế suốt mấy chục năm qua, cụ lo hết phần hương khói cho bà Có.

Tác giả: Ngọc Hà

Nguồn tin: kienthuc.net.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP