Chi 250 đến 300 triệu...xin chủ tàu rút đơn kiện
Nặng trĩu tâm trạng lo âu, chủ tàu Lê Hoàng Thanh (ngụ huyện Hoài Nhơn) phân trần, ngư dân lo lắng tàu hỏng nằm bờ chờ quá lâu thì 'chết đói' mất.
Tàu thép của ông Nguyễn Công Đồng (ngụ xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn) mới bàn giao đã liên tục gặp sự cố phải đưa về bờ sửa chữa. Ảnh: Minh Hoàng.
Vị chủ tàu kể lại, tuần trước, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Nam Triệu đi ôtô đến tận nhà bày tỏ 'tình cảm' xin hỗ trợ tiền khắc phục sự cố tàu. Trước áp lực trả nợ ngân hàng, 5 chủ tàu thép ở xã Hoài Thanh (huyện Hoài Nhơn) đã đồng ý nhận 250 đến 300 triệu đồng rút đơn khiếu nại doanh nghiệp.
"Doanh nghiệp nói tàu gặp sự cố là ngoài ý muốn nên mong bà con chia sẻ, nhận tiền hỗ trợ để sửa tàu sớm ra khơi. Họ còn đưa biên bản viết sẵn bảo chúng tôi ký vào cam kết không khiếu nại, khiếu kiện gì nữa", ông Thanh nói.
Một số chủ tàu xã Hoài Thanh, lý giải dẫu biết rằng số tiền này không thấm vào đâu để sửa phương tiện nhưng nếu tàu phải gỡ thép ra đóng lại thì ít nhất phải mất vài tháng. Tàu nằm bờ thì nợ ngân hàng ai sẽ đền bù cho ngư dân hay bản thân họ phải bỏ mặc tàu để ôm đống hồ sơ kiện ra tòa.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Kim, Phó chủ tịch UBND xã Hoài Thanh, xác nhận chính quyền đã nghe thông tin 5 chủ tàu thép gặp sự cố sau khi bàn giao cùng lúc rút đơn khiếu nại doanh nghiệp. Ông Mai Trường, Nguyễn Ảnh, Nguyễn Công Đồng, Trần Kim Trung và Lê Hoàng Thanh là những chủ tàu thép rút đơn khiếu nại.
Vị phó chủ tịch xã bức xúc, tàu thép trị giá hàng chục tỷ mới bàn giao đã hư hỏng mà doanh nghiệp chi vài trăm triệu để 'bịt ngang miệng' ngư dân rút đơn khiếu nại là không thể chấp nhận. Địa phương sẽ họp bàn 5 chủ tàu thép này gửi đơn trình báo vụ việc cơ quan chức năng can thiệp, tránh thiệt hại về sau.
Tàu thép của ngư dân Bình Định mới bàn giao đã liên tục hư hỏng đưa lên bờ sửa chữa. Ảnh: Minh Hoàng.
Chủ tàu tố doanh nghiệp 'dụ' vào khách sạn ký cam kết rút đơn
Trong lúc mất ăn, mất ngủ vì tàu liên tục hỏng máy phải nằm bờ thì ông Trần Đình Sơn (ngụ huyện Phù Mỹ) nhận điện thoại từ lãnh đạo Công ty TNHH MTV Nam Triệu mời uống cà phê.
Ông Sơn kể lại, sáng ngày 5/6, ông Bùi Hữu Hùng, Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu và ông Nguyễn Hoàng Tân, Giám đốc Xí nghiệp đóng tàu của công ty này gọi điện mời đi uống cà phê tại TP Quy Nhơn. Tại buổi gặp, họ yêu cầu rút tất cả hồ sơ đã gởi các cơ quan chức năng về việc thẩm định tàu với cam kết sớm lắp máy và hỗ trợ 100 triệu đồng.
"Họ bảo tôi viết đơn đề nghị không thẩm định tàu nữa nhưng tôi không biết viết. Sau đó ông Tân, Giám đốc Xí nghiệp tự đánh máy, in ra rồi đưa tôi đến khách sạn để ký. Đọc văn bản tôi thấy nhiều chỗ vô lý nên yêu cầu sửa lại thì ông Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu bảo “anh cứ ký đi, không sao cả”, ông Sơn thuật lại.
Trước khi ký vào bản thỏa thuận, ông Sơn yêu cầu phía doanh nghiệp chờ 3 ngày để hỏi thêm ý kiến của gia đình và tham khảo một số thợ khác xem việc lắp máy mới có an toàn hay không. Tuy nhiên phía doanh nghiệp không chờ phản hồi của tôi mà đã tự ý gửi đơn đến cơ quan chức năng không thẩm định tàu của gia đình.
"Rõ ràng họ lợi dụng tình cảm, đưa tiền để lừa tôi rút đơn khiếu nại nhằm che đậy chuyện làm ăn gian dối của họ. Trước tình thế này, tôi quyết định trả lại 100 triệu đồng cho doanh nghiệp", ông Sơn ấm ức.
Tàu thép hàng chục tỷ mới bàn giao đã gỉ sắt, xuống cấp nặng, ống khói trên nóc tàu cháy đen. Ảnh: Minh Hoàng.
Về việc này, ông Nguyễn Hoàng Tân, Giám đốc Xí nghiệp đóng tàu thuộc Công ty TNHH MTV Nam Triệu thừa nhận, ông là người trực tiếp đưa 100 triệu đồng cho chủ tàu thép Trần Đình Sơn.
"Công ty hẹn gặp chủ tàu là để trao đổi phương án, hãng máy chuyển đồ sang thay phụ tùng nhưng ông Sơn nhất định đòi thay máy mới. Trong quá trình chờ đợi, thì công ty hỗ trợ 100 triệu để ông Sơn lo việc chi phí. Việc đề nghị ông Sơn rút đơn khiếu nại là sự thỏa thuận giữa hai bên với mục đích để công ty, hãng máy và ngư dân tự giải quyết cho nhanh", ông Tân phân bua.
Ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh, thời gian qua, ngư dân địa phương liên tục yêu cầu chính quyền can thiệp doanh nghiệp sửa chữa tàu gặp sự cố.
"Gần đây bảy chủ tàu thép số xin rút đơn không khiếu nại nữa, tôi thấy bất hợp lý. Chắc có chuyện doanh nghiệp “đi đêm”. Quan điểm của địa phương là dù ngư dân có rút đơn khiếu nại thì Tổ thẩm định vẫn truy tìm nguyên nhân hỏng tàu và trách nhiệm thuộc về ai để kiến nghị cơ quan chức năng xử lý.
Bình Định cũng đã kiến nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra, làm rõ hai doanh nghiệp là Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH Một thành viên Nam Triệu bảo vệ quyền lợi cho ngư dân.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám đề nghị cơ quan chức năng Bình Định dứt khoát phải thẩm định từng con tàu một và có kết luận rõ ràng. Không phải vì ngư dân rút đơn mà chúng ta không làm. Sau khi có kết quả rà soát, giám định độc lập phải nhanh chóng gửi báo cáo vụ việc tàu đóng mới theo Nghị định 67 hư hỏng để Bộ báo cáo Thủ tướng có hướng xử lý trách nhiệm các bên liên quan.
Tác giả bài viết: Minh Hoàng
Nguồn tin: