Tại huyện Dung, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, có một ngôi đình bằng gỗ nhưng không sử dụng bất cứ chiếc đinh nào, vẫn "hiên ngang" trụ vững cùng thời gian.
Đó là Chân Vũ Các, ngôi đình được dựng hoàn toàn bằng kỹ thuật ghép mộng, tồn tại suốt hơn 440 năm qua.
Chân Vũ Các là một trong bốn công trình kiến trúc nổi tiếng ở phía nam sông Dương Tử, được ví như viên ngọc quý hiếm có trong lịch sử kiến trúc cổ đại Trung Quốc. Đây còn là công trình in đậm kiến trúc Đạo giáo, là sự kết hợp hoàn hảo giữa kiến thức khoa học với tinh thần người dân Trung Hoa.
Chân Vũ Các được dựng hoàn toàn bằng gỗ mà không dùng bất cứ chiếc đinh nào (Ảnh: Gujianchina). |
Nền móng đầu tiên được dựng trên một nền cao vào thời nhà Đường, nhưng tới tận năm 1573 dưới thời Hoàng đế Vạn Lịch của nhà Minh, công trình mới chính thức được khởi công.
Công trình có hình dạng của một tòa tháp vuông, cao 13,2m, rộng 13,8m và sâu 11,2m. Trên mỗi cột gỗ được chạm khắc mọi hoa văn tinh xảo nhờ bàn tay khéo léo của những thợ thủ công điêu luyện thời xưa.
Thoạt nhìn, Chân Vũ Các không có gì quá đặc biệt, gồm 3 tầng với cấu trúc bằng gỗ, xây hướng về phía nam. Ngoài ra nó có những công trình phụ trợ như hành lang, tường, chuông quanh gác mái. Phần mái hiên có khắc họa các linh vật như sư tử, cá chép và hạc.
Công trình phản ánh sự sáng tạo không giới hạn của những người thợ xưa kia (Ảnh: China News). |
Nhưng lên tầng 2, du khách mới phát hiện có cột ở giữa nhà cách mặt đất chừng 2-3cm giống như được treo lên. Nếu cột treo không có tác dụng chống đỡ, người ta dựng nó để làm gì?
Kỳ lạ hơn, dù làm bằng gỗ nhưng ngôi đình lại không dùng đinh để ghép nối giữa các trụ cột. Từ thời điểm công trình hoàn thành tới nay, nơi này trải qua 5 trận động đất và hàng chục cơn bão lớn. Trong khi nhà cửa dựng bằng gỗ xung quanh đều đổ sập thì một mình Chân Vũ Các vẫn đứng sừng sững. Nhìn có vẻ mỏng manh, nhưng làm cách nào để nó vẫn đứng vững qua hàng loạt thiên tai, thảm họa?
Chiếc cột có tác dụng như cán cân, giúp công trình được cân bằng trước gió bão (Ảnh: Gujianchina). |
Sau thời gian nghiên cứu, các chuyên gia đã phát hiện ra bí mật nằm ở những cột treo cách mặt đất vài cm như đã nhắc tới ở trên. Những cột treo này có rất nhiều mấu gỗ phình ra. Chúng thông qua những thanh dầm liên kết với cột chịu lực, khiến những thanh gỗ dài ngắn khác nhau được kết nối vững chắc thành khối.
Ngoài ra, cấu trúc này còn có tác dụng giữ thăng bằng. Khi gặp động đất hay bão gió, cột treo sẽ dao động, hạn chế lực tác động của gió tới công trình. Nói cách khác, nó như một cán cân giúp duy trì kết cấu ổn định, vững chắc của toàn bộ khối kiến trúc. Có thể nói, trí tuệ của người xưa đã sáng tạo ra ngôi đền với lối kiến trúc độc đáo này.
Đến nay công trình đã gần 500 năm tuổi (Ảnh: News). |
Loại gỗ dùng cho công trình là gỗ lim, đến nay vẫn không có vết nứt hay bị côn trùng phá hoại. Thậm chí chúng không thể bị cắt bằng dao. Nhiều diềm đá phía dưới chân cột đã bị mục nát, nhưng những cột gỗ vẫn nguyên vẹn, bất chấp mưa gió.
Ở tầng trên của Chân Vũ Các, du khách có thể phóng tầm mắt nhìn thấy dòng sông Tú Giang phía trước mặt và ngọn núi Đô Kiều hùng vĩ phía xa.
Đến nay, ngôi đình này được đánh giá là một trong những "báu vật" trong kho tàng nghệ thuật cổ đại của Trung Quốc. Năm 1982, công trình nằm trong danh sách di tích văn hóa trọng điểm quốc gia cần được bảo vệ.
Tác giả: Huy Hoàng
Nguồn tin: Báo Dân trí