Quy hoạch tổng thể giúp Nghệ An định vị được các tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư |
Nhiều lợi thế phát triển
Là tỉnh có diện tích rộng nhất cả nước với 16.486,49 km2, Nghệ An là địa phương có nhiều dư địa để phát triển kinh tế tổng hợp, thu hút đầu tư đa lĩnh vực.
Về vị trí địa lý, Nghệ An nằm ở khu vực Bắc miền Trung, có hệ thống giao thông hội tụ đầy đủ các tuyến đường bộ, đường hàng không, đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt và các cửa khẩu. Nghệ An có vị trí chiến lược trên tuyến giao thông Bắc - Nam và Hành lang kinh tế Đông - Tây; kết nối vùng Đông Bắc Thái Lan, Lào với biển Đông và là cửa ngõ giao thương của khu vực và quốc tế.
Bên cạnh đó, Nghệ An có vị trí phía Bắc giáp với Thanh Hóa, phía Nam giáp Hà Tĩnh, là 2 địa phương sở hữu 2 khu kinh tế trọng điểm ven biển của cả nước (Khu kinh tế Nghi Sơn và Khu kinh tế Vũng Áng), nên có nhiều thuận lợi trong việc hợp tác, thu hút đầu tư và phát triển lĩnh vực công nghiệp.
Nghệ An cũng sở hữu đường bờ biển dài 82 km, bờ biển phẳng có nhiều bãi tắm đẹp, diện tích mặt biển rộng, trữ lượng hải sản lớn, nên tỉnh có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế biển.
Xét về vị thế, quy mô kinh tế của Nghệ An đang đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố của cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Nghệ An khá cao, năm 2022 đạt 9,08%, năm 2023 đạt 7,14%. Dự báo, trong cả giai đoạn 2021-2030, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân đạt khoảng 10,5-11%.
“Thỏi nam châm” thu hút đầu tư của Nghệ An Chúng tôi rất vui mừng khi thấy UBND tỉnh Nghệ An và Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam đã tích cực thực hiện các chính sách cởi mở, chào đón, cũng như không ngừng cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh. Chúng tôi có thể thấy trước rằng, Khu kinh tế Đông Nam sẽ ngày càng phát triển và mở rộng về cả diện tích đất lẫn năng lực quản lý; tăng cường vai trò là “thỏi nam châm” thu hút các dự án về cho tỉnh và là đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. - Ông Teng Wei Hong, Tổng giám đốc Công ty TNHH VSIP Nghệ An |
Với những lợi thế như vậy, thời gian qua, Nghệ An trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2023, Nghệ An đã cấp mới cho 116 dự án (trong đó có 17 dự án đầu tư nước ngoài), điều chỉnh 185 lượt dự án. Tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh tăng thêm là 57.891 tỷ đồng, vượt xa so với kế hoạch (30.000-35.000 tỷ đồng).
Đáng chú ý, các dự án đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu thu hút đầu tư của Nghệ An những năm gần đây, đặc biệt là sau khi các dự án hạ tầng khu công nghiệp được các nhà đầu tư hàng đầu triển khai tại tỉnh như VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Ðạt.
Năm 2022, thu hút đầu tư nước ngoài tại Nghệ An đạt gần 1 tỷ USD, năm 2023 đạt hơn 1,6 tỷ USD. Lũy kế đến nay, thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh đạt 133 dự án đến từ 14 quốc gia/vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký hơn 4 tỷ USD. Các dự án tập trung nhiều ở các lĩnh vực như sản xuất, lắp ráp các thiết bị điện tử và công nghệ. Những kết quả này đã cho thấy tiềm năng rất lớn của tỉnh trong góc nhìn của các nhà đầu tư.
Nhận diện cơ hội mới
Ông Lê Tiến Trị, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cho biết, trước sự dịch chuyển làn sóng đầu tư nước ngoài, Nghệ An đang đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên, khuyến kích thu hút các dự án đầu tư thứ cấp có công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng cao; kết hợp với các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp để kết nối, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, hướng tới các nhà đầu tư từ các nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc…
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Đức Trung cùng đoàn công tác của tỉnh Nghệ An đã có chuyến công tác tại Mỹ (từ ngày 6 đến 11/11/2023). Tại chuyến công tác này, đoàn đã phối hợp với Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại TP. Houston (thuộc bang Texas) tổ chức Hội thảo Triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam sau nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ và cơ hội đầu tư vào Nghệ An tại TP. Dallas (bang Texas).
Tại Hội Thảo, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh nhiệm vụ “5 sẵn sàng” của Nghệ An với các nhà đầu tư. Trong đó, tỉnh sẵn sàng hỗ trợ thủ tục cho các nhà đầu tư với tinh thần minh bạch nhất, nhanh nhất; kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn từ khi nghiên cứu khảo sát, cấp phép đến khi triển khai dự án đầu tư xây dựng, đưa dự án vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, đến năm 2025, Nghệ An bảo đảm có đủ quỹ đất mặt bằng sạch và hạ tầng đồng bộ, hiện đại, hướng đến tăng trưởng xanh trong Khu kinh tế Đông Nam, với tổng diện tích khoảng 2.000 ha và các khu công nghiệp để đón nhận làn sóng đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài. Điều đó đã được thể hiện rõ trong Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 9/2023.
Tại Quy hoạch, Khu kinh tế Đông Nam được định hướng tập trung phát triển với tổng diện tích 20.776,47 ha, sẽ mở rộng lên hơn 105.500 ha dọc theo các trục giao thông đối ngoại kết nối với Khu kinh tế, như Quốc lộ 7A - 7C - 46, Quốc lộ 1A (đoạn tránh TP. Vinh), Quốc lộ 48D, đường bộ ven biển và một phần khu vực biển để đảm bảo quỹ đất phát triển lâu dài.
Theo nhận định của các chuyên gia, Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được phê duyệt là cơ hội để Nghệ An tiếp tục khai thác hiệu quả hơn nữa vị trí địa kinh tế - chính trị, phát huy thế mạnh đặc thù, tận dụng thời cơ trong giai đoạn mới, nhằm phát triển nhanh và bền vững hơn. Đồng thời, Quy hoạch cũng giúp các nhà đầu tư có thể nhận diện được những tiềm năng, lợi thế và các định hướng cụ thể khi lựa chọn đầu tư vào tỉnh.
Đáng chú ý, trước khi Quy hoạch được thông qua, ngày 18/7/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là chủ trương hết sức quan trọng, tạo động lực mới và những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới.
Tác giả: Ngọc Tân
Nguồn tin: baodautu.vn