Du lịch

Nghệ An đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Với mục tiêu đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, Nghệ An đã có nhiều chủ trương, kế hoạch, giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch và bước đầu đem lại kết quả tích cực.

Nghệ An đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung bộ, là điểm đến hấp dẫn của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á

Điểm đến hấp dẫn

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục xác định, du lịch là một trong những ngành dịch vụ cần dành nhiều sự quan tâm. Do đó, Nghệ An đã tập trung xây dựng Chiến lược Phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, ưu tiên quy hoạch chi tiết các dự án du lịch trọng điểm có tính đột phá.

Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 1439/QĐ-UBND phê duyệt Chiến lược Phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.

Theo quyết định này, đến năm 2030, Nghệ An trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung bộ, là điểm đến hấp dẫn của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á với các sản phẩm du lịch đặc sắc mang đậm dấu ấn văn hóa Nghệ An. Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác; đóng góp 9 - 10% vào GRDP của tỉnh.

Cùng với đó, Nghệ An sẽ tăng cường quản lý điểm đến du lịch, dịch vụ du lịch và hướng dẫn viên du lịch trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê kông mở rộng, giai đoạn II - Tiểu dự án tỉnh Nghệ An.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, bởi vậy, Nghệ An triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng phát huy truyền thống, văn hóa mang đậm bản sắc xứ Nghệ trở thành động lực, nguồn lực nội sinh cho phát triển du lịch.

- Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Nghệ An


Nhờ đẩy mạnh phát triển theo chủ trương, định hướng phát triển đã đề ra, bước đầu, ngành du lịch tỉnh Nghệ An đã đạt được kết quả ấn tượng. Lượng khách du lịch đến Nghệ An tăng nhanh, nhất là khách nội địa. Năm 2023, Nghệ An đón khoảng 8,36 triệu lượt khách du lịch, tăng 24% so với năm 2022; trong đó, khách quốc tế đạt 77.500 lượt. Doanh thu du lịch đạt 7.800 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2022.

Thông tin từ UBND tỉnh Nghệ An cho thấy, giá trị tăng thêm ngành dịch vụ của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2010 - 2020 tăng 3,1 lần, từ 20.134 tỷ đồng, lên 62.133 tỷ đồng. Dịch vụ cũng là ngành đóng góp chính (chiếm 39,6%) vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2011 - 2020.

Nhìn chung, các ngành dịch vụ đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân và đưa Nghệ An trở thành trung tâm của vùng Bắc Trung bộ ở các lĩnh vực như thương mại, tài chính, du lịch, y tế, giáo dục. Thời gian qua, cơ cấu khu vực dịch vụ có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các dịch vụ chủ lực; hình thành các phân ngành, các sản phẩm dịch vụ mới, dịch vụ cao cấp có giá trị gia tăng cao.

Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định phát triển nhanh, đa dạng các loại hình dịch vụ theo hướng hiện đại, bền vững, bảo đảm các dịch vụ cơ bản với chất lượng ngày càng cao. Chuyển dịch cơ cấu khu vực dịch vụ theo hướng tăng nhanh các dịch vụ chủ lực về thương mại, du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, tài chính - ngân hàng, vận tải, kho bãi, logistics…

Nghệ An đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025, tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ đạt 8,5%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 đạt 10%/năm. Tỷ trọng đóng góp của khu vực dịch vụ trong GRDP đạt 39,4% vào năm 2025; đạt 38,8% vào năm 2030. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt 105.000 tỷ đồng vào năm 2025; đạt 165.000 tỷ đồng vào năm 2030.

Du lịch Nghệ An được định hướng phát triển bền vững theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả; chú trọng phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, văn hóa, sinh thái, cộng đồng; gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Tỉnh xác định duy trì tăng trưởng ổn định thị trường khách du lịch nội địa là yếu tố then chốt, đồng thời chú trọng đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghệ An là một trong những trung tâm du lịch của khu vực Bắc Trung bộ, là điểm đến hấp dẫn của cả nước.


Phương hướng cụ thể, giải pháp đồng bộ

Thực hiện Quy hoạch, tỉnh Nghệ An đã đề ra các phương hướng phát triển cụ thể đối với ngành du lịch.

Theo đó, các sản phẩm du lịch chủ đạo của tỉnh gồm: du lịch văn hóa - lịch sử; du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và thể thao biển; du lịch sinh thái, mạo hiểm gắn với cộng đồng, trong đó điểm nhấn mang tính đặc trưng của Nghệ An là tour du lịch săn mây, khám phá chốn bồng lai tiên cảnh trên đỉnh Puxailaileng; du lịch chuyên đề; du lịch đô thị.

Sản phẩm du lịch đặc thù là du lịch chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước và con người xứ Nghệ.

Sản phẩm du lịch tiềm năng gồm: du lịch hội nghị, hội thảo (MICE) và du lịch công vụ; du lịch trải nghiệm; du lịch nông thôn; du lịch chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe; du lịch thăm thân; du lịch tàu biển, du thuyền.

Đối với thị trường quốc tế, tập trung vào các thị trường ASEAN, Đông Á - Thái Bình Dương. Đối với thị trường nội địa, tập trung vào khách du lịch biển theo nhóm gia đình, cơ quan vào mùa hè...

Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An cũng tập trung phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đảm bảo chất lượng, đồng bộ, hiện đại để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Giai đoạn đến năm 2030, phát triển thêm khoảng 10 sân golf mới; 100% các khu du lịch có trung tâm vui chơi, giải trí. Đến năm 2050, có khoảng 12 sân golf trên địa bàn tỉnh; các sân golf gắn với các khu đô thị, trung tâm vui chơi giải trí.

Trao đổi với Báo Đầu tư, ông Đặng Trọng Tấn, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch Hòn Mát cho hay, ông mong muốn tỉnh phát triển du lịch gắn với quy hoạch sử dụng đất tại khu vực miền núi đảm bảo các điểm đến có không gian. Mỗi sản phẩm du lịch văn hóa, cộng đồng đều phải quy hoạch rất rõ để tránh tình trạng trùng lắp, chồng chéo.

Theo ông Tấn, tỉnh cần ưu tiên các tuyến đường giao thông thuận lợi vào các điểm đến, đầu tư hạ tầng viễn thông khu vực miền núi; hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi số, quản lý, vận hành, quảng bá, xây dựng tour/tuyến/điểm du lịch. Đối với doanh nghiệp, cần chú trọng phát triển các dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng phục vụ khách hàng.

Cho rằng, bức tranh du lịch Nghệ An vẫn còn khoảng trống, ông Tấn nhấn mạnh, cần có “người thuyền trưởng”, những nhà đầu tư lớn, đồng thời cần có quy hoạch thực sự bài bản, hành lang pháp lý thực sự đủ sâu sát để đưa du lịch Nghệ An phát triển.

“Tôi tin, khi quy hoạch tỉnh Nghệ An được hoàn thiện chi tiết, sẽ định hướng cho ngành du lịch của tỉnh phát triển, đưa Nghệ An trở thành điểm đến hấp dẫn của cả nước”, ông Tấn bày tỏ.

Được biết, để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra, ngành du lịch tỉnh Nghệ An đang tập trung xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, sản phẩm du lịch, dịch vụ đẳng cấp quốc tế trên cơ sở thế mạnh của tỉnh và tính bổ trợ, kết nối trong sản phẩm du lịch liên tỉnh, liên vùng; quy hoạch, phát triển một số khu du lịch quốc gia. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tham mưu đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng du lịch; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án du lịch.

Cùng với đó, các địa phương tập trung thu hút nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh với các dự án tầm cỡ, dịch vụ cao cấp để thu hút khách có mức chi tiêu cao, đem lại nguồn thu lớn, tiến tới xây dựng, định vị thương hiệu du lịch Nghệ An là điểm đến của Việt Nam, khu vực Đông Nam Á, châu Á và thế giới.

Ngoài ra, ngành du lịch tỉnh Nghệ An cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước; tiếp tục duy trì sự phát triển ổn định khách du lịch nội tỉnh, nội địa; thúc đẩy tăng trưởng khách quốc tế. Ngành tiếp tục chuyển đổi số; nâng cao hiệu quả hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trên cả nước; mở rộng hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố của các nước trong khu vực và các nước mà Nghệ An có ký kết hợp tác.

Cùng với đào tạo nguồn nhân lực du lịch, tập huấn, kỹ năng làm du lịch, ngành du lịch Nghệ An cũng tham mưu, đề xuất ban hành một số cơ chế, chính sách thu hút khách quốc tế, thu hút nhà đầu tư chiến lược vào du lịch, phát triển sản phẩm du lịch.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Nghệ An cho biết, để đạt mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác quy hoạch du lịch, phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với quy hoạch vùng; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, mở rộng thị trường khách du lịch; phát triển kinh tế xanh, các đô thị trung tâm; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, hạ tầng số trong phát triển du lịch…

Tác giả: Hoàn Nhân

Nguồn tin: baodautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP