Pháp luật

Nghệ An: Lúng túng quản lý ôtô điện tại thị xã Cửa Lò

Vào mùa du lịch, UBND thị xã Cửa Lò (Nghệ An) lại ra quy định quản lý ôtô điện. Tuy nhiên, trong thực hiện bất cập, “tréo ngoe” dẫn đến cấp giấy phép hoạt động cho người không chính chủ và bỏ sót chủ xe.

btb367482 1
Năm nào UBND thị xã Cửa Lò cũng mệt mỏi vì quản lý ô tô điện

Ôtô điện hoạt động theo ngày chẵn lẻ

Liên tiếp mấy năm trở lại đây, vào mùa du lịch là thị xã Cửa Lò (Nghệ An) lại “nóng” vấn đề quản lý ôtô điện. Năm 2014, UBND TX.Cửa Lò ra quy định cấp phép hoạt động cho 150 xe có gắn lôgô, đồng thời, huy động lực lượng dẹp ôtô điện “chui”. Do cách làm đó bị nhiều người dân phản đối nên bãi bỏ.

Đến ngày 8.4.2016, UBND TX.Cửa Lò lại ban hành Quy chế quản lý ôtô điện, chấp nhận cho tất cả các xe đã mua từ năm 2015 trở về trước đều được phép hoạt động, tổng cộng 442 xe. Theo quy định của UBND thị xã, xe nào biển số đuôi lẻ thì được hoạt động ngày lẻ, xe nào biển số đuôi chẵn thì được hoạt động ngày chẵn. Một lái xe nói: “Không biết UBND TX dựa vào điều luật nào để quy định ôtô điện chỉ được hoạt động vào ngày chẵn hoặc lẻ. Cả năm vào mùa du lịch, xe chỉ hoạt động trong vòng 2 tháng. Chúng tôi sẽ gặp khó khăn trong mưu sinh”.

Cách này cũng “làm khó” chính cơ quan chức năng, phải phân công lực lượng thường xuyên túc trực, xử phạt những xe biển chẵn chạy và ngày lẻ và ngược lại.

Phương án này nếu thực thi cũng sẽ dẫn đến thiếu hụt xe so với nhu cầu của khách vào mùa cao điểm, chỉ còn khoảng 220 được phép hoạt động trong ngày. Ông Phan Công Đối, Trưởng Phòng Quản lý đô thị TX.Cửa Lò cho biết: “Qua khảo sát, mùa du lịch Cửa Lò cần khoảng 250 ôtô điện”.

Nhầm lẫn giữa chủ xe và lái xe?

Để làm thủ tục cấp biển số xe, UBND TX.Cửa Lò ra thông báo, gửi cho các chủ xe, yêu cầu lên Chi cục thuế TX nộp thuế rồi sang Phòng Quản lý đô thị xin cấp giấy phép hoạt động, sau đó đến Công an làm thủ tục đục số khung, cấp biển số. Toàn bộ quy trình không yêu cầu chủ xe xuất trình hóa đơn mua hàng và giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật.

Đây là bất cập dẫn đến không ít trường hợp, UBND TX.Cửa Lò đã không gọi đúng chính chủ của xe đi làm đăng ký, mà gọi lái xe lên làm thủ tục, mặc nhiên coi đó là chủ xe, hoặc chấp nhận xe không có giấy tờ mua bán hợp pháp, không đủ điều kiện an toàn lưu hành.

Ông Phạm Hữu Trường, Giám đốc DN Lợi Trường cho biết: “Cty tôi có khoảng hơn 100 ôtô điện, trong đó có một số xe do các cá nhân mua, góp vốn; tôi có hóa đơn đỏ chính chủ 45 xe. Nhiều trường hợp UBND TX.Cửa Lò đã gọi lái xe lên làm thủ tục nộp thuế, cấp biển, còn tôi là chủ xe không được biết”.

Cụ thể, trường hợp Hoàng Văn Xy, Nguyễn Phi Thường, Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Văn Nam (Nghi Thủy)... chỉ là lái xe, hóa đơn mua xe đứng tên Cty Lợi Trường, nhưng lại được gọi lên để làm thủ tục cấp biển số. Một số trường hợp xe góp vốn vào DN, nay không cần xác nhận thanh lý cũng được làm thủ tục cấp biển.

Ông Trường lên Chi Cục Thuế TX.Cửa Lò để làm thủ tục nộp thuế, cán bộ lại yêu cầu ông phải cung cấp chứng minh thư và hộ khẩu của từng lái xe và một số thủ tục khác đưa lên mới được làm thủ tục.

btb367482 2
Phùng Bá Dũng, phường Nghi Thủy, chủ xe 151, mua từ 2011 nhưng không có tên trong danh sách được cấp giấy phép hoạt động

Một số trường hợp lái xe đã nhiều năm, có giấy tờ mua bán xe nhưng bị sót danh sách không được làm thủ tục cấp biển hoạt động như Phùng Bá Long (khối 8, Nghi Thủy), Phùng Bá Dũng (khối 9, Nghi Thủy), Trịnh Xuân Thao (khối 7, Nghi Thủy), Phùng Bá Hà (khối 7, Nghi Thủy). “Tôi hỏi cán bộ xã thì được biết danh sách do khối đưa lên, nhưng hỏi cán bộ khối thì nói đã đưa lên rồi”, Phùng Bá Dũng bức xúc.
btb367482 4
Hóa đơn đỏ mua ô tô điện của Trịnh Xuân Thao, nhưng không được cơ quan chức năng "đoái hoài" trong quy trình cấp biển số

Trao đổi với Lao Động, ông Phan Công Đối, Trưởng Phòng Quản lý đô thị TX.Cửa Lò cho biết việc ban hành quy chế quản lý ôtô điện đã xin ý kiến UBND tỉnh và đã lấy ý kiến đóng góp từ lái xe, DN. Lý do khi làm thủ tục cấp biển không yêu cầu chủ xe xuất trình hóa đơn VAT và hóa đơn mua bán, theo ông Đối là vì “hầu hết các xe ôtô điện trên địa bàn không đủ điều kiện để đăng ký đăng kiểm” và do đây là quy định có tính chất phục vụ cho mùa du lịch (?).

Với câu hỏi: “Như vậy UBND TX.Cửa Lò chấp nhận cho xe không có giấy tờ hoạt động?”, ông Đối cho biết sẽ tiến hành song song việc đăng ký đăng kiểm theo hướng dẫn của công an(?). Đối với các trường hợp sót, ông Đối cho biết phường có trách nhiệm bổ sung. Các trường hợp vướng mắc về giấy tờ, hóa đơn mua bán, thì dân cứ đề nghị.

Cách làm như trên của UBND TX.Cửa Lò sẽ dẫn đến trường hợp cấp giấy phép hoạt động ôtô điện không chính chủ, có thể dẫn đến nhiều vướng mắc và phát sinh khiếu kiện. Và mặc dù đây là giấy phép có tính chất tạm thời nhưng lại tổ chức đục số khung ô tô điện (?).

Anh Hoàng Văn Xy, trú phường Nghi Thủy cho biết tại cuộc họp, lái xe không được phát biểu ý kiến mà phải chấp nhận quy định một cách áp đặt từ cấp trên.

Thông tư 86 của Bộ GTVT chậm áp dụng tại Nghệ An?

Ngày 31.12.2014 Bộ GTVT ban hành Thông tư số 86/2014/TT-BGTVT quy định về điều kiện đối với xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và người điều khiển tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế. Tuy nhiên, đến nay đã gần 2 năm, Thông tư này vẫn chưa được áp dụng tại Nghệ An, mà UBND TX. Cửa Lò tiếp tục ban hành quy định có tính chất “tạm thời” để quản lý ôtô điện.

Tác giả bài viết: Quang Đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP