Kinh tế

Nghệ An: Không để hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng

Trước tình trạng kinh doanh theo phương thức đa cấp diễn biến phức tạp, có dấu hiệu biến tướng, Sở Công Thương Nghệ An đã đưa ra các cảnh báo mới.

Nhằm thắt chặt hoạt động kinh doanh đa cấp tại Nghệ An sau hoạt động bán hàng đa cấp của Công TNHH Siberian Health Quốc tế bị thu hồi, Sở Công Thương Nghệ An đã đưa ra nhiều cảnh báo mới. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi, bởi khi hoạt động kinh doanh đa cấp bị biến tướng, lừa đảo thì không dễ để phanh phui.

Mới siết phần nổi của kinh doanh đa cấp

Mới đây sau khi nhận được văn bản của Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng về thu hồi giấy đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của Công TNHH Siberian Health Quốc tế (địa chỉ tại tầng 2, tòa nhà HH-N01 Gold, số 47 Nguyễn Tuân, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội), Sở Công Thương tỉnh Nghệ An đã có Văn bản số 2041/SCT-QLTM thông báo chấm dứt hoạt động đối với công ty này tại tỉnh Nghệ An.

Tại Nghệ An, Công ty TNHH Siberian Health Quốc tế được Sở Công Thương Nghệ An xác nhận đăng ký bán hàng đa cấp tại Công văn số 30/SCT-QLTM, ngày 2/4/2019, người đại diện là bà Ngô Thị Hạnh, phường Mai Hùng, thị xã Hoàng Mai.

Một cuộc gặp mặt của các thành viên Lion Group mà các giáo viên ở huyện Thanh Chương (Nghệ An) đăng tải lên mạng xã hội

Sở Công Thương yêu cầu đại diện Công ty Siberian Health Quốc tế tại Nghệ An chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại địa bàn kể từ ngày 14/10/2022. Thông báo cho những người tham gia, liên quan công ty này liên hệ trực tiếp phía công ty để giải quyết các vấn đề liên quan, yêu cầu Sở, ngành, các địa phương tại Nghệ An thông báo rộng rãi nội dung dừng hoạt động và xử lý nghiêm nếu phát hiện các trường hợp cố tình vi phạm về việc vẫn hoạt động. Đề nghị Công an tỉnh Nghệ An, Cục Quản lý thị trường, Thanh tra Sở Công Thương theo dõi xử lý nếu công ty này vẫn hoạt động tại Nghệ An.

Theo bà Trần Thị Mỹ Hà - Trưởng Phòng quản lý xuất nhập khẩu (Sở Công Thương Nghệ An), cái khó nhất khi quản lý hoạt động bán hàng đa cấp là sự biến tướng tinh vi dẫn đến sai phạm, lừa đảo. Thực tế, trong 14 cơ sở đăng ký kinh doanh hoạt động bán hàng đa cấp ở Nghệ An đều tuân thủ các quy định pháp luật.

Bản thân hoạt động bán hàng đa cấp được pháp luật cho phép, song đặc thù của loại hình kinh doanh này phải có nhiều người tham gia, nhiều đầu mối, thứ bậc do đó trong quá trình bán hàng dễ dẫn tới biến tướng, đánh vào lòng tham của nhiều người để lừa đảo.

Đặc biệt, biến tướng nguy hiểm nhất là hình thành mạng lưới đầu tư tài chính như các hoạt động tiền ảo. Do được hứa hẹn lợi nhuận lớn hơn rất nhiều số tiền bỏ ra, nhiều người nổi lòng tham và mắc bẫy. “Về cơ bản hoạt động lừa đảo bán hàng đa cấp đã được tuyên truyền, song người dân vẫn mắc phải là vì thấy lợi nhuận lớn quá nên dễ bị cám dỗ"- bà Trần Thị Mỹ Hà chia sẻ.

Theo Sở Công Thương Nghệ An, hiện trên địa bàn tỉnh này có 14 doanh nghiệp đăng ký hoạt động và trên 27.000 người (Công ty Siberian Health có 8.000 nhà phân phối) chiếm 3,2% tổng số người tham gia bán hàng đa cấp, cao hơn so với trung bình cả nước là 11.500 ngàn người. So với các địa phương trong khu vực Bắc Trung bộ, Nghệ An có tổng số nhà phân phối bán hàng đa cấp đông hơn tỉnh Thanh Hóa với 25.000 người tham gia (Thanh Hóa có 15 doanh nghiệp đăng ký), Hà Tĩnh với 9.200 người tham gia (Hà Tĩnh có 13 doanh nghiệp đăng ký).

Cùng với đó, công tác kiểm soát các cơ sở kinh doanh bán hàng đa cấp cũng được Sở tăng cường nhằm tránh những hoạt động biến tướng, lừa đảo người dân. Phó Giám đốc Sở Công Thương Cao Minh Tú nói: "Một số doanh nghiệp bán hàng đa cấp biến tướng hoạt động khá phức tạp. Các đối tượng này thường lợi dụng lòng tin để lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia để trục lợi, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và đời sống của nhân dân...".

Nếu không quyết liệt kiểm soát chặt mọi hoạt động của các cơ sở kinh doanh đa cấp và kịp thời xử lý khi có dấu hiệu vi phạm, để đến khi hoạt động lừa đảo ăn sâu thì hệ lụy vô cùng lớn. Chính vì vậy, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An đã chỉ đạo quản lý thị trường phải sát sao hoạt động của các cơ sở bán hàng đa cấp, kể cả khi họ tổ chức hội thảo, hội nghị cũng phải đến nghe xem thử có gì bất thường hay vi phạm không.

Cụ thể, Sở Công Thương đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành phát hiện và đăng tin cảnh báo để nâng cao nhận thức cho người dân về những biểu hiện kinh doanh đa cấp biến tướng như: sàn thương mại điện tử huy động vốn Onelinknetwork.com, ChiliMall.net, Vitae.co, Crowd1.com, Tcapital.org, Winvest.io… sản phẩm công nghệ OWIFI; ứng dụng mua sắm hoàn tiền Cashback; đầu tư ngoại hối và quyền chọn nhị phân Forex và BO… và cảnh báo người dân về những rủi ro khi tham gia vào các hoạt động này.

Không dễ để thâm nhập sâu

Cũng theo ông Cao Minh Tú, từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018, Sở Công Thương đã tổ chức 5 cuộc kiểm tra tại 9 công ty và không có công ty nào vi phạm, các công ty đều chấp hành tốt theo quy định của pháp luật. Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Sở Công Thương Nghệ An chưa tiến hành các cuộc thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương. Nhìn chung, các doanh nghiệp này hoạt động tuân thủ đúng pháp luật theo quy định về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Sở Công Thương chưa nhận được khiếu nại, phản ánh từ người tham gia cũng như từ người dân…

Sở Công Thương cũng đã tham mưu Công văn số 908/SCT-QLTM ngày 13/5/2022 về việc xử lý vấn đề về “Bán thực phẩm chức năng giá cao dưới vỏ bọc từ thiện” tại huyện Nghi Lộc và doanh nghiệp có dấu hiệu kinh doanh đa cấp.

Trong năm 2022, Sở đã tổ chức 4 hội nghị tập huấn tuyên truyền quy định pháp luật về bán hàng đa cấp, phổ biến nâng cao nhận thức về hoạt động bán hàng đa cấp nói chung và pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp bán hàng đa cấp, người tham gia bán hàng đa cấp trên địa bàn TP. Vinh, thị xã Thái Hòa, Đô Lương và dự kiến trên huyện Anh Sơn.

Tuy vậy, theo ông Cao Minh Tú đó chỉ là phần nổi. Bởi thực tế khi hoạt động bán hàng đa cấp đã biến tướng, chuyển sang lừa đảo thì hoạt động rất kín kẽ, được hợp thức hóa tinh vi, đòi hỏi phải có lực lượng nghiệp vụ chuyên môn sâu như Cảnh sát kinh tế mới có thể xử lý được. “Quản lý thị trường có kiểm tra thì cũng chỉ là hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp, nguồn gốc xuất xứ, nhãn hàng, các điều kiện an toàn thực phẩm... Còn để phanh phui ra bản chất của hoạt động lừa đảo núp bóng sau hoạt động bán hàng đa cấp thì rất khó…”- ông Tú nói.

Cũng theo ông Cao Minh Tú, các cơ sở kinh doanh đa cấp được pháp luật cho phép, việc kiểm tra hoạt động của họ dù là bất ngờ, đột xuất nhưng cũng phải đúng luật. Tức là phải thu thập thông tin, theo dõi, có dấu hiệu vi phạm thì mới tiến hành kiểm tra chứ không thể theo dõi họ nhất cử nhất động như tội phạm được, luật không cho phép. Vì vậy, giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là cảnh báo người dân, khi thấy có dấu hiệu vi phạm, lừa đảo từ cơ sở bán hàng đa cấp mình tham gia thì báo ngay cho lực lượng chức năng để kịp thời ngăn chặn, không để lan rộng ra xã hội.

Các doanh nghiệp sau khi được cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp của Bộ Công Thương sẽ nộp hồ sơ đăng ký hoạt động tại các địa phương. Hiện tại, trên toàn quốc có 22 doanh nghiệp tham gia bán hàng đa cấp với tổng số người tham gia bán hàng đa cấp đạt khoảng 725 ngàn người.

Tác giả: Hoàng Trinh

Nguồn tin: Báo Công thương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP