Ổi lê trồng ở Nghĩa Đàn trong khoảng 5 năm trở lại đây được người tiêu dùng ưa chuộng bởi trái to, da láng mịn, ít hạt, vị ngọt đậm đà hơn ổi trồng ở những vùng khác. Theo ông Lê Xuân Định, ngay cả trong huyện Nghĩa Đàn, cũng chỉ có một số khu vực tập trung chủ yếu ở 2 xã Nghĩa Sơn và Nghĩa Lâm có đá son vàng với hàm lượng kali trong đất cao là phù hợp với sự phát triển của cây ổi lê nhất.
Quả ổi lê Nghĩa Đàn được dán tem. Ảnh: Thái Minh |
Điều khiến ông Định trăn trở là nhiều tiểu thương bán ổi ở chợ Vinh hay các vùng lân cận với giá bán từ 15.000 -20.000 đồng/kg, ăn thường nhạt, không ngon nhưng vẫn được người bán nói là ổi Nghĩa Đàn. Trong khi đó, ổi Nghĩa Đàn bán tại vườn đã là 25.000 đồng/kg. Vì vậy, việc dán tem truy xuất nguồn gốc sẽ giúp người tiêu dùng yên tâm mua được ổi Nghĩa Đàn chính hiệu, và là “một trong những bước để xây dựng thương hiệu ổi, đưa nông sản này trở thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng của đất Phủ Quỳ. Ổi được dán tem sẽ có cơ hội vào được nhiều siêu thị lớn, tăng giá trị cũng như sản lượng tiêu thụ”, ông Nguyễn Thắng – Trưởng phòng Nông nghiệp Nghĩa Đàn nói.
Ổi là giống cây canh tác không phức tạp, thời gian sinh trưởng ngắn, ít sâu bệnh và cho thu hoạch quanh năm. Ông Lê Xuân Định cho biết: “Một trong những khâu quan trọng khi canh tác là trái to bằng ngón tay cái thì dùng túi bọc chuyên dụng để bọc, vừa giúp quả không bị côn trùng gây hại, lại mẫu mã quả đẹp hơn”.
Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp 19-5 tại huyện Nghĩa Đàn hiện đang có 35 thành viên với khoảng 35 ha đất chuyên canh theo tiêu chuẩn VietGAP để đảm bảo chất lượng khi cung cấp tới các kênh phân phối như siêu thị, cửa hàng nông sản sạch tại thành phố Vinh và các vùng lân cận.
Giá ổi bán tại vườn dao động từ 25.000 – 30.000 đồng/kg, sau khi dán tem truy xuất nguồn gốc, giá mỗi kg ổi tăng lên từ 2.000 – 5.000 đồng, nhưng hợp tác xã vẫn tiêu thụ đều do người tiêu dùng tin rằng họ mua được “sản phẩm chính hiệu” thay vì mua phải hàng trà trộn, không đảm bảo chất lượng.
Nhận thấy hiệu quả từ cây ổi khi người dân có thu nhập từ 200-300 triệu đồng/ha/năm, huyện Nghĩa Đàn đã tiến hành xây dựng các chương trình cải tạo vườn tạp, đất kém chất lượng và hướng dẫn bà con nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt để tăng năng suất và chất lượng cho trái ổi. Và để đảm bảo không có sự trà trộn ổi từ những vùng khác và minh bạch hóa quy trình kiểm soát, hợp tác xã sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất các lô hàng. Chỉ những hộ có sản phẩm đảm bảo đúng quy trình canh tác, chất lượng quy định, mới được hợp tác xã cấp tem.
Thời gian tới, Nghệ An sẽ tiếp tục triển khai dán tem truy xuất nguồn gốc một số nông sản khác như nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn...
Tác giả: Ngọc Vũ
Nguồn tin: khoahocphattrien.vn