Du lịch

Nghệ An: Bảo tồn, tôn tạo di tích còn nhiều vướng mắc

Trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa dần bộc lộ một số hạn chế, cần được tiếp tục sửa đổi, bổ sung.

Cụm Di tích lịch sử Làng Đỏ tại phường Hưng Dũng, thành phố Vinh đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia nhưng chưa được khoanh vùng, cắm mốc, chưa được xác định cụ thể là đất di tích.

Sau hơn 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung, hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận nhiều thành tựu tích cực. Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng dần bộc lộ một số hạn chế, do đó, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung là hết sức cần thiết trong giai đoạn mới.

Bất cập từ thực tiễn

Là một trong 5 điểm thuộc Cụm Di tích lịch sử Làng Đỏ, phường Hưng Dũng, thành phố Vinh, nhà ông Nguyễn Hữu Diên là cơ sở cách mạng, nơi in ấn tài liệu tuyên truyền của Xứ ủy Trung Kỳ, đồng thời cũng là nơi nuôi giấu cán bộ của Đảng. Sau khi thực dân Pháp phát hiện, các thành viên trong gia đình ông bị bắt giam, ngôi nhà tranh bị đốt trụi và toàn bộ tài sản bị tịch thu. Trước đây ở di tích có 1 cây chay, là nơi chôn cất chum tài liệu của Đảng. Đến nay, cây chay đã chết, chỉ còn lại gốc.

Ngôi nhà hiện tại trên phần đất di tích là do ông Nguyễn Hữu Thân, con trai út của ông Nguyễn Hữu Diên dựng lên năm 1982. Thời điểm năm 1990, sau khi được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia, vì chưa có quy định rõ về chủ sở hữu của di tích, không có quyết định thu hồi và thủ tục tái định cư, nên đất và nhà cụ Nguyễn Hữu Diên vẫn để cho ông Nguyễn Hữu Thân sinh sống, canh tác. Hiện nay, ngôi nhà của ông Nguyễn Hữu Thân đã xuống cấp nghiêm trọng, mùa mưa bão nước ngập vào nhà, thấm dột cả ban thờ… nhiều lần gia đình muốn sửa chữa, cơi nới nhưng chính quyền không có cơ sở pháp lý để giải quyết.

“Gia đình sẵn sàng hiến một phần diện tích đất để mở đường và mở rộng khuôn viên di tích, tuy nhiên rất mong muốn cấp trên giải quyết thủ tục vướng mắc để được cấp sổ đỏ, xây dựng nhà mới để có nơi thờ tự ông bà tổ tiên đồng thời là liệt sĩ được đàng hoàng”, bà Lê Thị Tuyết (vợ ông Thân) mong mỏi.

Theo tìm hiểu, nguyên nhân dẫn đến thực trạng bất cập trên là khi lập hồ sơ xếp hạng đã không làm chặt chẽ việc chuyển đổi đất ở sang đất di tích. Hiện nay, khu vực có tổng diện tích là 2.006 m2, nhưng ngoài khu vực bảo vệ I (vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích) thì toàn bộ khu vực bảo vệ II (vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I) trên bản đồ vẫn là đất ở, nghĩa là theo Luật Đất đai (sửa đổi), cá nhân sinh sống ổn định trên phần đất đó, không xảy ra tranh chấp thì được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Ngôi nhà ông Nguyễn Hữu Diên là cơ sở cách mạng, nơi in ấn tài liệu tuyên truyền của Xứ ủy Trung Kỳ, đồng thời cũng là nơi nuôi giấu cán bộ của Đảng nên không được phép cải tạo, cơi nới hàng chục năm qua. Hiện ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng.

Tuy nhiên, theo Khoản 3, Điều 32, Luật Di sản văn hóa: “Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó…”.

Theo báo cáo từ Ban Quản lý di tích tỉnh Nghệ An, hiện nay, địa bàn tỉnh có 2.602 di tích, danh thắng, trong đó có 492 di tích đã được xếp hạng. Thực trạng là có nhiều di tích có diện tích khuôn viên lệch so với hiện trạng di tích. Trong số 145 di tích cấp quốc gia có đến 119 di tích có diện tích sai lệch.

Thông tin từ Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Vinh cho biết, hiện nay việc xác định đất di tích, khoanh vùng, điều chỉnh khoanh vùng cho các di tích cấp Quốc gia xếp hạng giai đoạn trước đây như: Quần thể núi Dũng Quyết và Thành Phượng Hoàng Trung Đô, Cụm Di tích Làng Đỏ, Thành cổ Vinh gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; một số di tích tại phường, xã quản lý chưa có khoanh vùng, cắm mốc, chưa được xác định cụ thể là đất di tích.

Ví như Quần thể di tích, danh thắng núi Dũng Quyết và Thành Phượng Hoàng Trung Đô được xếp hạng đặc cách là Di tích danh thắng cấp Quốc gia vào năm 1962 mà không có hồ sơ xếp hạng, khu vực khoanh vùng được vẽ ước lệ bằng tay. Mặc dù chưa xác định rõ các khu vực bảo vệ di tích nhưng các hộ dân sinh sống dưới chân núi Dũng Quyết không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không được phép xây dựng, sửa chữa nhà ở.

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng sai lệch trên, theo Trưởng ban Quản lý di tích tỉnh Nghệ An Trần Thị Kim Phượng, khi lập hồ sơ di tích, đặc biệt là những di tích được xếp hạng vào thế kỷ trước, chưa lường hết tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nên nhiều di tích khoanh vùng quá rộng, ảnh hưởng đến quy hoạch kinh tế - xã hội của địa phương. Điều này dẫn đến việc quản lý, bảo vệ di tích còn nhiều khó khăn.

Mặt khác, trước đây, khi xếp hạng các di tích chủ yếu chỉ khoanh vùng trên tổng thể và ước lượng, việc đo đạc thực hiện thủ công bằng tay nên tính chính xác không cao, dẫn đến diện tích bị sai lệch so với thực tế lớn.

Nhiều di tích khi xếp hạng đã khoanh vùng khu vực bảo vệ vào các thửa đất của các hộ dân đang sinh sống, ăn ở lâu đời. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, đồng thời ảnh hưởng tới các nhu cầu của đời sống nhân dân như sinh hoạt dân sinh; xin cấp phép xây dựng, sửa chữa; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất…, dẫn đến đơn thư, kiến nghị kéo dài, đặc biệt là các di tích trên địa bàn thành phố Vinh. Ngoài ra, trong quá trình xem xét điều chỉnh khoanh vùng còn có sự chồng chéo giữa các luật liên quan như Luật Di sản văn hóa, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Xây dựng.

Cũng theo lãnh đạo Ban Quản lý di tích tỉnh, hiện nay có nhiều di tích cần điều chỉnh khoanh vùng nhưng đến nay vẫn chưa có quy định hướng dẫn cụ thể nào về điều chỉnh khoanh vùng di tích từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Với một số trường hợp đặc biệt, bức thiết, ngành Văn hóa đã tham mưu UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ, kiến nghị cho chủ trương điều chỉnh.

Di tích Thành cổ Vinh gần đây mới được phép điều chỉnh theo Quyết định số 4512/QĐ-UBND ngày 30/12/2023 của UBND tỉnh về “Điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 bảo tồn, tôn tạo Di tích Thành cổ Vinh, thành phố Vinh”.

Cần chỉnh sửa, bổ sung phù hợp với thực tiễn

Trưởng ban Quản lý di tích tỉnh Nghệ An cho rằng để hoàn tất việc điều chỉnh khoanh vùng di tích cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hay làm đường nhằm tạo thuận tiện cho việc tách thửa trong trường hợp cần thiết... Đây là công việc liên quan đến nhiều ngành như: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Xây dựng...; đồng thời đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các ngành liên quan để ngành Văn hóa có thể điều chỉnh khu vực khoanh vùng di tích, giải quyết những bất cập liên quan đến di tích này.

Về lâu dài, Trung ương cần có quy định hướng dẫn, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các địa phương trong việc tiến hành điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích theo hướng vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, vừa gắn với phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Trên thực tế, nhiều di tích đã xếp hạng các tiêu chí vẫn đảm bảo nhưng còn tồn tại tình trạng tranh chấp đất đai (đối với di tích là nhà thờ họ, tại thời điểm xếp hạng diện tích đất chưa chuyển đổi mục đích, con cháu dòng họ tranh chấp đất kiện cáo lâu dài không hòa giải được nên gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý và phát huy). Vì vậy, ông Bùi Công Vinh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao đề xuất bổ sung quy định về việc hủy bỏ quyết định xếp hạng đối với: “Di tích có tranh chấp liên quan đến đất đai kéo dài không hòa giải được”.

Góp ý đối với dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), ông Thái Văn Thành, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đề nghị cần xây dựng một chương riêng trong dự án Luật về “Di sản tư liệu”, bởi trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, loại hình văn hóa này rất cần được phát huy. Bên cạnh đó, cần xây dựng quy định quản lý nhà nước về di sản văn hóa đảm bảo logic, tránh nhầm lẫn với phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước. Ông Thái Văn Thành cũng ủng hộ việc xây dựng Quỹ Di sản văn hóa nhằm huy động kịp thời nguồn lực để bảo tồn các di tích lịch sử xuống cấp. Trong dự thảo Luật cũng đã quy định nguyên tắc hoạt động quỹ rất rõ ràng, có kiểm tra, quản lý, định kỳ có kiểm toán công khai minh bạch.

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Nghệ An cũng bày tỏ mong muốn dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ nghiên cứu, bổ sung thêm chính sách của Nhà nước về khuyến khích phát triển kinh tế di sản để phù hợp tình hình hiện nay trong hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; thêm nhiệm vụ chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước cho hoạt động kiểm kê, lập hồ sơ xếp hạng di tích và khoanh vùng, cắm mốc và tổ chức các hoạt động khác cho việc bảo vệ, phát huy giá trị của di tích; quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền phê duyệt các chủ trương, dự án về tu bổ, tôn tạo di tích từ các nguồn xã hội hóa.

Tác giả: Bích Huệ

Nguồn tin: Báo Tin tức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP