Xã hội

Nam công nhân hối hận vì giúp 'vị khách không mời' lúc nửa đêm

"Lần đó vào dịp nghỉ lễ, tôi tự nguyện ở lại trông đồ đạc để cho các công nhân khác về quê. 12 giờ đêm, khi tôi đang say giấc thì bất ngờ nghe có tiếng động. Tôi mở mắt thì phát hiện một người đàn ông lạ đang lục lọi trong lán", anh Minh kể.

Một buổi chiều cuối năm, chúng tôi tìm đến khu lán tạm bợ của công nhân tại một chung cư đang xây dựng tại khu vực Mỹ Đình, Hà Nội.

Dù mệt mỏi sau ca làm việc, anh Trần Văn Minh (35 tuổi, quê Phú Thọ) vẫn cố nở nụ cười chào khách.

Anh Trần Văn Minh (35 tuổi, quê Phú Thọ). Ảnh: Thanh Hải

Anh Minh cho biết, do hoàn cảnh khó khăn, anh rời quê hương lên Hà Nội xin đi làm phụ hồ. Từ phụ hồ, anh học hỏi làm thợ xây, rồi trát vữa… Đến nay, anh đã có thâm niên gần 20 năm làm công nhân tại các khu công trình xây dựng.

Chỉ vào chiếc giường ọp ẹp cùng tấm chăn bốc mùi ẩm mốc, anh Minh giới thiệu, anh ở khu lán tạm này đã được hai năm. Thời điểm cao nhất, công trình cần tiến độ nhanh, số người trong lán lên đến 40 người.

“Thời gian đầu làm nghề thợ xây, sống vạ vật không được tắm giặt, ăn uống đàng hoàng, tôi thấy khổ sở lắm. Tuy nhiên sau đó, ai cũng phải chấp nhận và lâu dần mọi khó khăn cũng trở thành quen thuộc”, anh Minh nói.

Theo anh Minh mặc dù nhìn căn lán có phần xập xệ, tạm bợ nhưng so với những công trường anh ở trước đó thì nơi đây khang trang hơn nhiều lần.

“Sống trong những công trình cao tầng này mình vừa có việc làm, vừa được bố trí lán ở không phải thuê nhà trọ là tốt rồi, các khó khăn khác mình phải tự khắc phục.

Ở đây, người ta còn trang bị những tấm tôn, mái che còn ở những công trình dân sinh, chúng tôi phải tự căng bạt, che lá để ngủ. Hơn nữa, ở đây vấn đề an ninh cũng được đảm bảo hơn”, anh Minh trải lòng.

Anh Minh trên chiếc giường tạm trong lán. Ảnh: Thanh Hải

Nam công nhân sinh năm 1983 cho biết, trước đây anh nhận làm các công trình nhà ở dân sinh, hay biệt thự độc lập, không có lực lượng an ninh bảo vệ, anh từng nhiều lần bị các đối tượng lạ vào uy hiếp hoặc trộm tiền.

Anh kể: “Chuyện xảy ra cách đây 3 năm, khi tôi đang thi công một căn biệt thự ở khu vực Hà Đông, Hà Nội. Vì công trình dang dở, có nhiều nguyên vật liệu nên chủ nhà đã dựng tạm cho chúng tôi một căn lán ngay phía trước bãi đất trống để sinh hoạt.

Đợt đó vào dịp nghỉ lễ, tôi tự nguyện ở lại trông đồ đạc để các công nhân khác về quê. 12 giờ đêm, khi tôi đang ngủ thì bất ngờ nghe có tiếng động. Tôi mở mắt thì thấy có một người đàn ông lạ đang lục lọi trong căn lán của mình.

Theo phản xạ, tôi khẽ vơ chiếc ghế nhựa toan đánh anh ta nhưng không ngờ anh ta đỡ được. Anh ta thấy tôi phản ứng như vậy thì lập tức sụp xuống xin lỗi, mong tôi bỏ qua. Khuôn mặt khắc khổ, hằn những nếp nhăn, anh ta kể do bị đói quá nên vào lán tìm ít cơm nguội ăn”, anh Minh nhớ lại.

“Anh ta cho biết mình tên Thành, 34 tuổi, quê Lào Cai. Thành xuống Hà Nội xin việc làm, không ngờ bị lừa. Số tiền ít ỏi anh mang theo cũng bị kẻ gian lấy hết. 2 ngày nay anh chưa có gì lót dạ nên mới làm liều như vậy.

Tôi nghe kể, động lòng trắc ẩn nên nấu cho anh ta bát mỳ tôm rồi cho anh ta ngủ nhờ một đêm", anh Minh nói.

"Vậy mà lúc gần sáng, khi tôi mệt quá ngủ thiếp đi thì anh ta lẻn dậy trộm hết tiền và chiếc điện thoại của tôi rồi bỏ đi. Tôi rất căm phẫn nhưng cũng không thể làm gì, chỉ trách bản thân tin người quá", anh Minh bức xúc.

Anh Nguyễn Văn Bảo (SN 1977, quê Vĩnh Phúc), có thâm niên 17 năm làm công nhân xây trát vữa, cho hay, ở các công trình lớn, các công nhân xây dựng ăn ở, ra vào đều phải qua hàng rào bảo vệ nghiêm ngặt.

Tuy nhiên ở các công trình dân sinh thì công nhân phải tự dựng lán, bố trí chỗ ăn ở và đảm bảo an toàn cho mình. Vì vậy không tránh khỏi việc có các đối tượng lạ lẻn vào trộm cắp.

Một công nhân quê Vĩnh Phúc. Ảnh: Thanh Hải

“Nhà tôi cũng chả khá giả gì nhưng vợ ở quê buôn bán nên có đồng ra đồng vào. Năm ngoái, nhận được số tiền sau mấy tháng làm việc cho một công trình ở quận Long Biên, tôi giấu vợ mua chiếc điện thoại giá 10 triệu.

Không ngờ đêm đó, khi tôi ngủ, kẻ trộm đã rạch chiếc bạt chui vào lấy chiếc điện thoại. Lần đó, vợ tôi lên thăm, nghe anh em kể lại, cứ cằn nhằn mãi”, anh Bảo kể.

Rời Mỹ Đình, chúng tôi đến một lán tạm được bố trí trong tầng hầm cho công nhân ở khu chung cư cao cấp quận Hoàng Mai, Hà Nội. Anh Phùng Văn Ngọc (32 tuổi, quê Thanh Hóa) đang ngồi trên giường với vẻ mặt thất thần.

Anh Ngọc cho biết, bây giờ anh chỉ mong có việc làm thêm ở công trường này để kiếm tiền chi tiêu.

“Được nghỉ thì cũng thích, cũng khỏe nhưng không đi làm thêm thì tháng này cả nhà tôi nhịn đói, anh Ngọc nói.

Anh Phùng Văn Ngọc (47 tuổi, quê Thanh Hóa) là công nhân xếp gạch. Ảnh: Thanh Hải

Theo anh Ngọc, khi đến đây làm công việc xếp gạch, anh được bố trí chỗ ăn ngủ trong lán ở tầng hầm khu chung cư đang xây dựng này. Dù nơi ăn ở có phần khắc khổ nhưng thu nhập mỗi tháng của anh được khoảng 8 triệu đồng.

Số tiền này anh dùng để chi tiêu và thanh toán tiền học cho hai cô con gái ở quê. Tuy nhiên mấy hôm trước, anh Ngọc vừa nhận tiền, định mang về cho vợ thì không may bị mất.

"Ngày trước khi sinh con thứ 2 được hai năm, vợ tôi cũng từng phải để con cho ông bà nội trông để lên đây xin đi phụ hồ. Không ngờ, cô ấy vừa đi nửa tháng thì con trai đầu ốm nặng, phải nhập viện. Vợ tôi phải nghỉ việc để trông cháu.

Giờ ở nhà, cô ấy chỉ làm ruộng và chăn nuôi. Đợt vừa rồi giá gia cầm giảm mạnh, gia đình tôi bị lỗ nặng. Vì vậy tháng nào, nhận được tiền tôi cũng gửi về cho vợ trang trải. Tháng này vừa nhận tiền, chưa kịp gửi thì tôi đã bị mất trộm. Tôi không biết ít hôm nữa gia đình tôi sẽ sống ra sao, các con lấy đâu tiền đóng học phí?”, giọng anh Ngọc chùng xuống.

“Ai đi làm công nhân cũng vất vả, không có tiền thuê trọ nên mới chấp nhận cuộc sống tạm bợ như thế này. Biết anh Ngọc có hoàn cảnh khó khăn nên chúng tôi đã cùng nhau quyên góp mỗi người một ít tiền để ủng hộ. Số tiền có phần ít ỏi nhưng là chút tình cảm của mọi người trong khốn khó giúp đỡ nhau”, anh Nguyễn Hoan, một người bạn cạnh giường anh Ngọc nói vọng sang.

(Còn nữa)

Tên nhân vật được thay đổi theo yêu cầu*

Tác giả: Thanh Hải - Nhật Linh

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP