Bản Phùng là xã biên giới của huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang được nhắc đến như cái nôi của cộng đồng người dân tộc La Chí. Bản 100% dân tộc La Chí sinh sống. Họ thường cư trú ở núi cao gần 2.000 m, sống bằng nghề chăn nuôi, canh tác lúa nước trên ruộng bậc thang.
Ngày 1/11/2011, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận 760 ha trong tổng số hơn 3.000 ha diện tích ruộng bậc thang của Hoàng Su Phì tại 6 xã là Di tích Quốc gia. Các xã gồm Bản Luốc, Sán Sả Hồ (bản người Dao áo dài và người Nùng); xã Bản Phùng (bản người La Chí); xã Hồ Thầu, xã Nậm Ty và Thông Nguyên (bản người Dao đỏ).
Thời điểm tháng 9 hàng năm, đồi núi của xã Bản Phùng bắt đầu lốm đốm những thửa ruộng ngả màu vàng, mùa lúa bắt đầu chín.
Thửa ruộng như mâm xôi được chiếu rọi bởi tia nắng vàng mùa thu.
Mùa thu cũng là thời điểm đồng bào La Chí sống ở nơi tận cùng cực Bắc diễn ra nhiều hoạt động cộng đồng trước khi mùa gặt tới. Tại sân chơi chung của xã, người dân tập trung chơi trò chơi và mừng lễ hội Cúng cơm mới.
Không chỉ người Kinh mới có nghề làm cốm nếp mà người La Chí cũng tự nghĩ ra quy trình làm cốm. Cốm cũng làm từ hạt lúa nếp và có hương thơm, độ dẻo đặc trưng.
Cô cậu bé trong trang phục truyền thống chơi trò đu quay đặc trưng của người La Chí.
Những bé gái lấm lép bên thửa ruộng bậc thang vàng óng.
Từ trung tâm xã Bản Phùng có thể phóng tầm mắt khắp mọi hướng, đâu cũng là tầng tầng lớp lớp những thửa ruộng bậc thang lúa chín, kéo dài từ làng này sang làng khác, từ đỉnh núi này sang núi nọ, trải dài xuống tận khe suối.
Thấp thoáng thửa ruộng gặt sớm.
Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì tập trung chủ yếu ở Bản Phùng, Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Hồ Thầu, Thông Nguyên, Nậm Ty và nằm rải rác ở 19 xã khác trong huyện. Không chỉ mang giá trị lịch sử, văn hóa, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì còn là kết quả công sức lao động cần cù, sáng tạo của biết bao thế hệ đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây trong quá trình khai hoang, sinh sống và tồn tại.
Tác giả bài viết: Ngọc Thành