Giáo dục

Mong sao thí sinh đừng để bị đình chỉ “oan” vì điện thoại di động

Những mùa thi gần đây, không có năm nào là không có những trường hợp thí sinh bị đình chỉ thi do mang điện thoại di động vào phòng thi.

LTS: Ngày 1/7, kỳ thi THPT quốc gia 2016 chính thức diễn ra, trước giờ thí sinh bước vào môn thi đầu tiên, thầy giáo Bùi Minh Tuấn có lời dặn dò thí sinh với mong muốn các em đạt điểm cao trong kỳ thi và đừng để bị đình chỉ thi chỉ vì điện thoại di động.

Tòa soạn trân trọng gửi tới thí sinh lời dặn dò của thầy.


Ngày 1/7, kỳ thi THPT quốc gia 2016 chính thức diễn ra, quy chế về kỳ thi đã quy định rất rõ:

Thí sinh không được phép mang các phương tiện thu, phát có khả năng truyền tin vào phòng thi. Với điện thoại di động, khi thí sinh mang vào khu vực thi, dù đã tắt nguồn, không sử dụng cũng bị đình chỉ thi.

Quy định trên đã được áp dụng từ nhiều năm trước, các hội đồng thi đã chú trọng việc phổ biến quy định này đến thí sinh bằng nhiều hình thức: nhắc qua loa phóng thanh, phổ biến qua giám thị trước mỗi buổi thi, dán quy chế trước cửa mỗi phòng thi.

gdvn dienthoaididong
Mong sao thí sinh đừng để bị đình chỉ “oan” vì điện thoại di động (Ảnh: Thùy Linh)

Tuy nhiên, do vô tình hay cố ý, những chiếc điện thoại vẫn “theo chân” các thí sinh vào phòng thi để rồi những thí sinh bị phát hiện đã phải gánh chịu những hậu quả đáng tiếc.

Rõ ràng thói quen sử dụng điện thoại di động trong học sinh hiện nay đã gây ra không ít phiền lụy, nhất là trong lúc thi cử.

Trong quan niệm của nhiều học sinh con các gia đình có điều kiện khá giả về kinh tế, việc sử dụng những chiếc điện thoại di động đắt tiền với nhiều chức năng hỗ trợ là cách để thể hiện “phong cách” và “đẳng cấp”.

Những bậc phụ huynh trang bị cho con những chiếc điện thoại “xịn”, vô hình chung đã góp phần hình thành thói quen đua đòi, tiêu tiền hoang phí khi bản thân các em còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Bên cạnh đó, mặc dù cước điện thoại di động đã giảm nhưng việc sử dụng điện thoại thường xuyên dù chỉ để nhắn tin cũng “ngốn” một khoản chi phí đáng kể.

Một số học sinh thậm chí đã phải “xén” cả tiền học phí, học thêm mà phụ huynh cung cấp hàng tháng để “nuôi dế”.

Đã có ý kiến cho rằng, trong bản nội quy của các nhà trường hiện nay cần có thêm điều cấm học sinh sử dụng điện thoại di động khi tới trường.

Song trên thực tế, cấm học sinh sử dụng điện thoại khi tới trường trong điều kiện hiện nay là rất khó khả thi.

Bởi, xã hội ngày càng phát triển thì điện thoại di động là phương tiện thiết yếu để trao đổi thông tin.

Hơn nữa, khó có thể cấm cản triệt để việc học sinh sử dụng điện thoại di động vì đó là tài sản cá nhân của các em và những người sử dụng điện thoại di động với mục đích phù hợp cũng không có lỗi gì.

Tuy nhiên, để hạn chế những mặt tồn tại, bất cập từ việc học sinh sử dụng điện thoại di động, cần có sự phối hợp giáo dục chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường.

Theo đó, các bậc phụ huynh không cần thiết phải trang bị cho con những chiếc điện thoại di động đắt tiền.

Điều quan trọng là, trước khi sắm điện thoại cho con, cần cho chúng nhận thức được là nên sử dụng điện thoại di động lúc nào? Ở đâu? Và nhằm phục vụ cho mục đích thiết thực gì?

Phụ huynh chỉ nên cho con sử dụng điện thoại di động nếu thấy thực sự cần thiết. Đồng thời, có biện pháp kiểm soát cước phí liên lạc.

Trước mỗi kỳ thi quan trọng, trong quy chế thi đều có quy định cấm thí sinh mang điện thoại di động vào phòng thi, các bậc phụ huynh cần đặc biệt quan tâm, nhắc nhở con em không mang điện thoại đến điểm thi, giữ, gửi lại ở ngoài điểm thi.

Thậm chí, có thể sử dụng biện pháp mạnh là “cấm vận” hẳn trong vài ngày thi. Bởi, tâm trạng lo lắng cho kỳ thi khiến cho nhiều thí sinh không còn để ý tới những hậu quả khi mang điện thoại bên mình, đa số thí sinh bị đình chỉ thi, gạt nước mắt ra về là do thói quen.

Trong các nhà trường nên có quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong tất cả các tiết học. Tuyệt đối cấm lưu trữ trong máy những phim, ảnh thiếu lành mạnh.

Nếu phát hiện trong điện thoại di động của học sinh có chứa những nội dung không lành mạnh cần kịp thời thông báo với phụ huynh học sinh đồng thời có những hình thức xử lý để ngăn ngừa vi phạm đối với những học sinh khác.

Với những gì đã và đang xảy ra, đã đến lúc cần hình thành “văn hoá alô” trong học đường, cũng là biện pháp xây dựng môi trường học đường thân thiện.

Tác giả bài viết: Bùi Minh Tuấn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP