Công việc bận rộn khiến chị Mai Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) gần như lúc nào cũng quay cuồng với công việc. Thời gian để dành cho gia đình đôi khi không có chứ chưa nói tới làm các đồ chuẩn bị cho dịp Tết Đoan Ngọ.
Không riêng gì Tết Đoan Ngọ, cứ đến lễ Tết, chị Mai Anh đều đặt hàng đồ ăn ngoài chợ. Việc đi mua sẵn bây giờ vừa tiết kiệm thời gian lại vừa đỡ vất vả.
Tiểu thương nào cũng tranh thủ bán thêm rượu nếp ngày này |
Cũng bởi vậy, dù ở các khu chợ cóc có tới vài chục người bán rượu nếp, bán nếp cẩm mà lượng tiêu thụ mỗi người cũng đến cả tạ dịp này.
Qua các chợ Định Công, chợ Khương Trung, chợ Ngọc Hà (Ba Đình)... một số quầy hàng mọi ngày chỉ bán rau, củ hay một số thứ khác nhưng hôm nay cũng đều bán thêm thứ gì đó cho ngày Tết Đoan Ngọ.
Cả tạ rượu nếp cho thu nhập khá, dù chỉ là kinh doanh thời vụ |
Do nhiều người phải đi làm sớm, nên mới đầu giờ sáng, một số mặt hàng như vải thiều, rượu nếp, nếp cẩm, mận đã bán hết sớm..
Chị Giang hàng ngày vẫn bán gà luộc, đồ lễ, nhưng năm nào vào ngày Tết Đoan Ngọ chị cũng làm 60 kg rượu nếp và 40 kg nếp cẩm để bán thêm.
Chị Giang cho biết: “Mở hàng ra từ 5h30 sáng mà đã có người đến mua. Tôi làm 2 loại nên khách thì ăn loại nào thì mua, 1 cốc rượu nếp gần 100g có giá 10.000 đồng, nếp cẩm có giá 15.000 đồng.”
Nhiều người đã đi mua từ sáng sớm |
“Nghe 100 kg tưởng nhiều nhưng cũng chỉ ra được có 600 cốc rượu nếp, 400 cốc nếp cẩm. Chục khách vào mua đã hết vợi, vì họ toàn mua 3 – 4 cốc cho cả nhà. Bán nhanh như mọi năm thì 9h là đã hết hàng, mà hàng nào trong chợ cũng bán nhanh như vậy chứ không riêng gì tôi” - chị Giang cho biết thêm.
Chị Lan mọi ngày thường bán thịt ở chợ, nhưng sáng nay cũng bày thêm rượu nếp ra bán. Chị cho biết: “Muốn có rượu nếp với nếp cẩm bán thì phải chuẩn bị từ tối mùng 3 âm, thì đến sáng mùng 5 mới có hàng để bán. Bán lẻ thì 10.000 - 20.000 đồng/cốc, nếp cẩm sẽ được ít hơn.”
Rượu nếp là món ăn truyền thống trong ngày Tết Đoan Ngọ |
“Khách mua nhiều cũng không giảm giá được vì ngày này bán lẻ cũng sẽ hết hàng. Còn nếu khách mua về làm thì tôi bán 40.000 đồng/kg rượu nếp, 60.000 đồng/kg nếp cẩm. Lãi không nhiều nhưng cũng có thêm đồng ra đồng vào cải thiện bữa ăn cho gia đình” - chị Lan cho biết thêm.
Không chỉ rượu nếp, nếp cẩm bán chạy, 2 loại hoa quả truyền thống cho ngày này là vải và mận cũng hết bán hết rất nhanh.
Chị Hải Anh - bán hoa quả tại chợ khu vực Hoàng Mai (Hà Nội) - cho biết: “Vải thiều năm nay giá cao hơn mọi năm, nên mỗi nơi một giá, thấp nhất là 45.000 đồng/kg. Giá đắt hay rẻ thì cũng hết khá nhanh, vì vải và mận là 2 loại quả truyền thống trong ngày Tết Đoan Ngọ này.”
“Hiện nay mận đã vào cuối mùa nên giá gần như tăng gấp đôi so với cách đây 1 tuần. Giá bán lẻ mận đã lên tới 50.000 - 65.000 đồng/kg” - chị Lan cho biết thêm.
Tác giả: Thế Hưng
Nguồn tin: Báo Dân trí