Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay, khu vực các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận (miền Trung) đã bước vào mùa mưa, lũ chính trong năm.
Dự báo, từ đêm 9 - 20/10, tại các tỉnh này có thể xuất hiện một số hình thái thời tiết xấu gây mưa lớn gồm: Dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Trung Trung Bộ, các đợt không khí lạnh thường xuyên được tăng cường, bổ sung.
Khu vực các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận (miền Trung) đã bước vào mùa mưa, lũ chính trong năm. |
Cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ xảy ra các đợt mưa lớn trên diện rộng gây lũ, đặc biệt là các trận mưa cường suất lớn, gây ra nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất ở các khu vực vùng núi.
Cụ thể, từ đêm 9 - 10/10, khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có khả năng xảy ra mưa lớn với lượng mưa phổ biến 40 - 80 mm. Từ đêm 10 - 13/10, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có khả năng xảy ra mưa lớn với lượng mưa phổ biến 100 - 300 mm, đề phòng mưa cường suất lớn 50 - 150 mm trong 24 giờ.
Từ 14 - 20/10, diễn biến mưa lớn tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi còn có thể kéo dài và phức tạp, phụ thuộc vào cường độ của không khí lạnh và vị trí của dải hội tụ nhiệt đới.
Để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại do mưa lớn và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân.
Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất.
Tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.
Triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp. Kiểm tra, rà soát, triển khai phương án vận hành và đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Về cơn bão số 4, tối 9/10, các mô hình dự báo của Hong Kong và Nhật Bản cho biết, bão Koinu đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Lúc 19h, vùng gần tâm bão duy trì sức gió mạnh nhất 55km/h, tương đương cấp 7, giật cấp 9.
Hình thái này sau đó di chuyển theo hướng tây nam và tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc). Như vậy, bão Koinu đã giảm 5 cấp chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ, nguyên nhân chủ yếu là tác động của không khí lạnh.
Tác giả: TL
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân