Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các quy định về cán bộ, công chức, viên chức đang được Bộ Nội vụ xin ý kiến một số cơ quan trước khi trình Chính phủ.
Theo đó, Bộ Nội vụ đề xuất bỏ quy định về thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức (giữ xét thăng hạng).
Lý giải về đề xuất này, Bộ Nội vụ cho rằng, theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP (quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức) việc tổ chức thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp thuộc thẩm quyền của các bộ quản lý chuyên ngành và cơ quan quản lý viên chức.
Thời gian qua, mới chỉ có 6 bộ tổ chức thi hoặc xét thăng hạng viên chức, trong đó có Bộ Giáo dục và Đào tạo. (ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, quy định về tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp trong thời gian vừa qua gặp một số khó khăn, vướng mắc. Các Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp chuyên ngành chậm ban hành các thông tư quy định về nội dung, hình thức thi và xét thăng hạng dẫn đến không kịp thời trong việc tổ chức thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, ảnh hưởng đến quyền lợi của đội ngũ viên chức.
Từ năm 2012 đến 2018, đối với khối Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, chỉ có 6 bộ tổ chức thi hoặc xét thăng hạng viên chức gồm: Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Các địa phương chủ yếu cử viên chức tham gia các kỳ thi do bộ tổ chức; chỉ có TP Hà Nội tổ chức thi. Những chức danh như kiến trúc sư, thẩm kế viên, đo đạc, địa chính, đạo diễn chưa được thi.
Tiêu chuẩn, điều kiện để viên chức dự thi là phải có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp chuyên ngành tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp, trong khi nhiều chức danh không xây dựng được chương trình, các khóa bồi dưỡng. Vì vậy, nhiều kỳ thi thăng hạng viên chức không được tổ chức.
Theo Bộ Nội vụ, việc tổ chức thi thăng hạng chưa thật sự gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức; nội dung thi còn hình thức, chưa sát với vị trí việc làm và đặc thù công việc của từng chức danh nghề nghiệp dẫn tới không đạt mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ của việc thăng hạng.
Hệ thống vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp, bản mô tả và khung năng lực vị trí việc làm của viên chức chưa được hoàn thiện. Điều này dẫn đến thực trạng viên chức trước và sau khi được thăng hạng không có sự thay đổi về công việc và chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Việc thăng hạng hiện nay chủ yếu để giải quyết chế độ tiền lương và thu nhập.
Bên cạnh đó, với số lượng viên chức rất lớn (khoảng trên 1,8 triệu người) công tác trong nhiều ngành, nghề, lĩnh vực trên phạm vi cả nước, nên việc tổ chức các kỳ thi thăng hạng hàng năm gây tốn kém; cá biệt một số nơi xảy ra vi phạm, tiêu cực trong quá trình tổ chức thi.
Từ thực trạng trên, Bộ Nội vụ đề xuất sửa đổi quy định tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP theo hướng bỏ quy định hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp mà chỉ giữ hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Việc bỏ thi thăng hạng không ảnh hưởng đến quy định của Luật Viên chức 2010 do “hạng chức danh nghề nghiệp” không quy định tại Luật Viên chức mà chỉ được quy định tại các Nghị định và Thông tư hướng dẫn chuyên ngành (khi Chính phủ ban hành Nghị định mới này sẽ có đủ căn cứ pháp lý để thay thế các Nghị định và Thông tư có quy định về nội dung này).
Tại dự thảo Nghị định, Bộ Nội vụ cũng đề nghị phân cấp thẩm quyền tổ chức thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Cụ thể, cơ quan quản lý công chức được phân cấp căn cứ danh mục vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức tổ chức thi nâng ngạch từ nhân viên lên cán sự, cán sự lên chuyên viên, chuyên viên lên chuyên viên chính mà không cần ý kiến của Bộ Nội vụ hoặc Ban Tổ chức Trung ương.
Cơ quan quản lý viên chức chủ trì xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng I và bổ nhiệm, xếp lương viên chức loại A3 mà không cần có ý kiến Bộ Nội vụ. Xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng II và III sẽ giao cơ quan được phân cấp thẩm quyền tuyển dụng thực hiện./.
Tác giả: Trí Anh
Nguồn tin: vov.vn