19 giờ, lớp học chữ của người dân bản Mường Lống, xã Tri Lễ, huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An) lại sáng ánh điện. Trong cái lạnh se sắt, tiếng đánh vần, đọc chữ vang lên giữa không gian im ắng của núi rừng. Những đôi bàn tay chai sạn vốn chỉ quen cầm cuốc, tra ngô nay xòe ra làm các phép tính đơn giản, khi lại vụng về cầm bút tập viết những nét chữ nguệch ngoạc đầu tiên trong đời.
Lớp học đặc biệt ở bản Mường Lống, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An) |
Giáo viên đứng lớp là những cán bộ, chiến sĩ mang quân hàm xanh của Đồn biên phòng Tri Lễ, Bộ đội Biên phòng Nghệ An. Thiếu tá Hồ Đình Trường, cán bộ Đồn biên phòng Tri Lễ chia sẻ: “Các học viên đều là phụ nữ dân tộc Mông tuổi từ 20 đến 50. Thời gian đầu mới vào lớp, các mẹ, các chị rất e ngại vì cho rằng mình đã nhiều tuổi, là trụ cột gia đình không cần phải đi học nữa, nhưng được chúng tôi động viên, phân tích về lợi ích của con chữ, mọi người đã chịu khó đến lớp đều đặn”.
Để lớp học duy trì đầy đủ, những người lính quân hàm xanh khá vất vả trong việc tuyên truyền, vận động. Hằng ngày, cùng với nhiệm vụ tuần tra biên giới, các chiến sĩ biên phòng còn đến nhà dân, lên tận nương rẫy để trò chuyện và tuyên truyền về tầm quan trọng của việc học chữ. “Đến nay, sau hơn hai tháng đến lớp, các học viên đã có thể nghe, nói, đọc, viết và làm một số phép tính cộng trừ đơn giản. Biết đọc, biết viết chữ, chị em thấy vui hơn, nhiều chị còn rủ cả chồng, bố mẹ chồng, người thân trong gia đình cùng tham gia lớp học. Vì thế, lớp học ngày càng đông hơn, đến nay đã có 50 người”, Thiếu tá Trường phấn khởi.
Đang cặm cụi viết tên mình lên giấy, bà Xồng Y Đà (bản Mường Lống) tâm sự: “Ngày xưa không được đi học, không biết viết, biết đọc, từ khi có chủ trương của Đảng, Nhà nước mở lớp học xóa mù chữ, có các thầy dạy cho chúng tôi, đến nay đã biết đọc, biết viết, biết tính toán. Cảm ơn Đảng, Nhà nước và các thầy là cán bộ Đồn Biên phòng Tri Lễ”.
Cũng như nhiều chị em khác trong bản, khi biết chủ trương mở lớp xóa mù chữ, bà Và Thị Pó đã hăng hái đăng ký tham gia. “Ngày xưa khác, chứ nay không biết cái chữ thì thiệt thòi lắm. Khi biết có lớp dạy chữ, chị em trong bản chúng tôi đăng ký học ngay, đặc biệt, lớp được mở ngay tại bản cũng thuận lợi cho chị em tham gia học tập”, bà Pó nói.
Thượng tá Hồ Thanh Quang, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tri Lễ cho biết: “Bản Mường Lống cách trung tâm xã Tri Lễ khoảng 30km. Bản có 135 hộ dân với 800 nhân khẩu, 100% là đồng bào Mông. Để không ảnh hưởng nhiều đến lao động sản xuất và sinh hoạt của bà con, lớp học được tổ chức vào các buổi tối từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần. Kết thúc khóa học, chúng tôi sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả và cấp chứng chỉ cho học viên”. |
Tác giả: THU HIỀN
Nguồn tin: Báo Tiền Phong