Hàng loạt các biện pháp tăng thuế của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đã dẫn tới việc các nhà sản xuất bắt đầu rục rịch di dời cơ sở của họ khỏi đại lục để né tránh tổn hại.
Ông Trump coi sự chuyển dịch chuỗi cung ứng này là một chiến thắng và vui mừng chia sẻ trên Twitter: "Nhiều công ty bị đánh thuế sẽ rời Trung Quốc sang Việt Nam và những nước tương tự như vậy ở châu Á".
|
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, sự leo thang căng thẳng thương mại Mỹ - Trung trong vài tuần trở lại đây càng đẩy nhanh kế hoạch "tháo chạy" của các doanh nghiệp khỏi Trung Quốc.
Ngày 10/5, ông Trump thông báo tăng thuế suất nhập khẩu từ 10% lên 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỉ USD. Ba ngày sau đó, Washington cũng công bố một danh sách mới về các hàng hóa xuất xứ Trung Quốc sẽ bị áp thuế 25%, bao gồm hầu hết các mặt hàng xuất khẩu còn lại của nước này sang thị trường Mỹ.
Ông Hsu Yu-lin, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Đài Loan tại Việt Nam cho hay, nhiều nhà sản xuất vô cùng sửng sốt trước các động thái mạnh tay nói trên của chính quyền Trump và cấp tập tìm cách đi khỏi Trung Quốc. Theo ông Hsu, những công ty có khả năng cung cấp dịch vụ vận tải, hậu cần xuyên biên giới, xử lý trang thiết bị sản xuất quy mô lớn và quản lý thông quan hải quan đang ăn nên, làm ra trong bối cảnh này.
"Trước thương chiến Mỹ - Trung, những công ty đã rời bỏ Trung Quốc từng cho rằng phán đoán của họ là sai và phàn nàn về chi phí di dời quá cao. Nhưng hiện họ có thể thở phào nhẹ nhõm vì việc chuyển đi đang trở nên khó khăn và tốn kém hơn nhiều", ông Hsu giải thích.
Một chuyên gia họ Huang làm việc tại công ty vận tải R&T tiết lộ, ông nhận thấy một xu hướng đáng chú ý khác trong vòng một năm trở lại đây: các cơ sở sản xuất được xây dựng tại những nước Đông Nam Á đôi khí còn lớn hơn cả những nhà máy bị bỏ lại ở Trung Quốc.
Lim Kian Peng, Phó Tổng giám đốc công ty Overland Total Logistics (OTL) có trụ sở ở Quảng Tây cho hay, doanh nghiệp của ông đã giúp 300 nhà sản xuất vận chuyển một phần dây chuyền sản xuất cũng như các nguyên liệu và thiết bị tới những nhà máy mới xây dựng của họ ở Đông Nam Á.
Ông Lim nói, thông thường, các doanh nghiệp nhỏ sẽ phải đi theo các khách hàng của họ - những nhà sản xuất lớn hơn, vào Việt Nam. Theo các thuật ngữ về chuỗi cung ứng, quá trình "tạo cụm, nhóm" sẽ dẫn tới việc hình thành các hệ sinh thái nhà cung ứng xoay quanh những khách hàng chính. Và trong điều kiện hiện tại, các khách hàng chính này đang rút khỏi Trung Quốc với tốc độ nhanh hơn.
Các công-ten-nơ hàng tập kết tại cảng Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Nikkei Asia Review |
Việc chuyển chở các bộ phận, nguyên liệu, những sản phẩm bán hoàn thiện và hoàn thiện giữa Trung Quốc và Đông Nam Á hiện chiếm khoảng 80% hoạt động kinh doanh của OTL. Các khách hàng chủ yếu của doanh nghiệp này năm ngoái là các hãng sản xuất Trung Quốc trong những vực điện tử chính xác công nghệ cao, quần áo, giày dép, tấm quang điện và màn hình thiết bị di động. Họ đã thuê dịch vụ của OLT để di dời sản xuất sang các nhà máy mới xây ở Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Lào và Campuchia.
Ông Lim nhận định, xu hướng tháo chạy khỏi Trung Quốc của các nhà sản xuất dự kiến sẽ giúp các công ty kinh doanh dịch vụ vận tải, hậu cần xuyên biên giới tăng trưởng ít nhất 20% mỗi năm trong vài năm tới. Doanh nhân này cho rằng, ngay cả khi chiến tranh thương mại kết thúc vào ngày mai, xu hướng cũng khó lòng chấm dứt ngay.
Chủ tịch Hội đồng Thương mại Đài Loan tại Việt Nam cũng có đồng quan điểm như trên. Ông Hsu tin, những công ty vẫn chưa di dời khỏi Trung Quốc sẽ mất lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ.
"Chẳng hạn như do thuế 25% của Mỹ đánh vào ngành công nghiệp sản xuất đồ nội thất Trung Quốc, khai trương các nhà máy ở Việt Nam sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu đối với hầu hết những doanh nghiệp muốn hút khách hàng quốc tế. Nếu đối thủ của bạn đã chuyển địa điểm sản xuất và bạn còn phải mất ít nhất 1 - 2 năm di dời, đó sẽ là vấn đề vô cùng nghiêm trọng đối với công ty từng chần chừ", ông Hsu nhấn mạnh.
Nghị sĩ Mỹ đấm vợ toé máu vì cởi quần áo chậm
Tác giả: Tuấn Anh
Nguồn tin: Báo VietNamNet