Mỗi người một việc, làm theo kiểu dây chuyền, người đong gạo vào lá bánh, người gói các nếp cho vuông bánh, người buộc lạt… cho đến khi những cặp bánh chưng, bánh tét được chất đầy.
Những chiếc bánh đều được gói bằng đôi bàn tay thủ công mà không cần dùng khuôn nhưng luôn đẹp, vuông góc và đều nhau.
“Nếp được dùng là nếp lúa, phải sáng, mịn và do người dân tự trồng ra, nhân bánh phải cân bằng tỉ lệ giữa đậu xanh, thịt ba chỉ ướp với gia vị để không gây cảm giác ngán cho người ăn tạo nên đặc trưng riêng chỉ có ở làng bánh này”, bà Lan nói và cho biết bánh chưng Vĩnh Hòa còn được người dân đặc biệt chú ý trong khâu luộc bánh để giữ bánh được lâu hơn.
Theo bà Sâm, những ngày thường, gia đình chị gói 200-300 cặp, ngày tết lên tới 500-600 cặp. Thị trường tiêu thụ bánh của cơ sở bà Sâm chủ yếu các nhà hàng ở thị xã Cửa Lò và thành phố Vinh (Nghệ An).
“Nếu như trước đây bánh chưng, bánh tét giúp người dân trong làng thoát cảnh nghèo đói thì ngày nay, người dân trong làng làm bánh vào dịp tết không đơn thuần chỉ là việc mưu sinh mà là một nét truyền thống của ngày tết cổ truyền. Vì vậy, chúng tôi thường làm rất cẩn thận, chăm chút”, bà Sâm cho biết.
Dịp Tết, mỗi hộ làm bánh có thể kiếm được từ 20-25 triệu, những cơ sở làm với số lượng lớn có thể kiếm được 30-40 triệu đồng.
Ông Lưu Đức Bằng, trưởng thôn Vĩnh Hòa, cho biết nghề bánh ở Vĩnh Hòa được cha truyền con nối, tạo nên thương hiệu đặc trưng khắp toàn tỉnh. Năm 2005, Vĩnh Hòa được công nhận là làng nghề chế biến nông sản.
Hiện làng có 200/318 hộ làm bánh, bánh chưng đem lại nguồn thu nhập chính và giúp nhiều gia đình trong làng trở nên khá giả. Ngoài bánh chưng, sản phẩm làng nghề Vĩnh Hòa còn có bánh gai, bánh tét, bánh cuốn…
Tác giả bài viết: Phạm Hòa
Nguồn tin: