Nhiều phụ nữ vẫn xem việc giữ gìn mái ấm gia đình là một thành tựu trong cuộc sống. “Đàn bà xây tổ ấm” mà! Chưa kể, miệng đời thường đánh giá phụ nữ hơn nhau tấm chồng. Vì vậy, sự gãy đổ hôn nhân, đối với phụ nữ, là một thất bại nặng nề, gây khủng hoảng trầm trọng, thậm chí có thể khiến họ suy sụp, không gượng dậy nổi để bước tiếp...
Đối mặt với bão giông
Người thiếu nữ, khi khoác lên mình chiếc váy cô dâu, hẳn chẳng ai nghĩ đến ngày phải ra tòa ký vào quyết định ly hôn. Nên dù gặp đau khổ thế nào, nghiệt ngã ra sao, họ vẫn cố níu giữ gia đình, không chỉ cho mình có chồng, mà quan trọng hơn là để con có cha. Đời mình có thể chẳng hy vọng gì nhưng vẫn còn tương lai những đứa trẻ. Cứ nghĩ vậy mà họ gạt nước mắt, cố bước tới từng ngày.
Khi mái ấm vỡ tan, người phụ nữ cũng quỵ ngã, lại thêm miệng đời: “Thứ đàn bà bị chồng bỏ (hay bỏ chồng) thì cũng chẳng ra gì…”. Rồi lần mò trong mớ hoang tàn, họ gom nhặt từng mảnh vỡ. Những mảnh cứa vào da thịt, nên quờ tay bên nào cũng thấy đau.
Đau thấu tâm can nhưng những người đàn bà bất hạnh ấy rất kiên cường. Không sống vì mình thì phải vì con. Sắm hai vai một lúc, họ lao ra đường, bạc mặt mưu sinh để che chắn cho ngôi nhà - không - nóc. Mọi điều vẫn phải đi vào quỹ đạo, theo trật tự vốn có của cuộc sống, trừ bản thân người phụ nữ ấy.
Công việc vẫn phải làm, cơm vẫn phải nấu, bài vẫn phải dạy con học… nhưng trái tim họ thì đã tan hoang. Dù bình thản hay gào khóc, tất cả họ đều có chung khuôn mặt của người phải quay lại vạch xuất phát sau khi đã đi một chặng đời.
“Giai đoạn đó, tôi bị trầm cảm nặng, phải uống thuốc liên tục. Sau một thời gian, tôi hiểu ra, chính mình mới là người có khả năng cứu lấy mình. Tôi đã chọn du lịch để giải tỏa tinh thần. Trải nghiệm những cung đường mới mẻ, đi phượt, lặn biển... dần dần tôi bình tĩnh lại, chấp nhận được mình, đối diện với thất bại để nuôi dạy con gái. Mẹ con tôi cố dìu nhau qua giông bão”, bác sĩ Quỳnh Hương (BV Từ Dũ) cho biết.
Ảnh mang tính chất minh họa.
Dù là người chủ động đưa đơn ly hôn, nhưng khi cầm trên tay quyết định của tòa, chị Thụy Khanh vẫn khóc như mưa. “Từ tòa chạy xe về cơ quan, tôi khóc đến nỗi có lúc không nhìn rõ đường đi. Đó là cái cảm giác trống rỗng, vụn vỡ, thất vọng cực điểm về bản thân. Trong đầu tôi chỉ day đi day lại một câu: “Một cuộc đời bị đánh cắp”.
Chuyện đã gần 20 năm nhưng chị vẫn nhớ rõ: “Mãi đến giờ tôi vẫn không tha thứ được cho bản thân. Cảm giác là đứa con bất hiếu với cha mẹ khi không có một cuộc hôn nhân hạnh phúc cứ đè nặng. Cảm giác là một người mẹ vô trách nhiệm, không giữ cha cho con dằn vặt. Cảm giác là một người thất bại cứ bao trùm lấy tôi…”.
Sau ly hôn, chị Hoàng Quyên (nhân viên văn phòng) lại tìm quên trong vũ trường, quán nhậu. Con gái bỏ mặc cho ông bà ngoại, cứ sau giờ làm việc là chị chôn mình trong tiếng nhạc xập xình, khói thuốc mù mịt, bia rượu mềm môi. Mãi đến khi được gia đình đưa vào BV điều trị vì rối loạn thần kinh do rượu, chị mới giật mình tỉnh ra.
Chị tâm sự: “Tôi không chịu nổi miệng đời. Tôi không cam lòng mang tiếng là người thất bại. Thời đi học, tôi luôn đứng đầu lớp, còn là thủ khoa kỳ thi đại học, có một việc làm nhiều người mơ ước khi ra trường. Vậy mà giờ tôi lại phải nghe đồng nghiệp xì xào: tưởng hay ho gì, rốt cuộc cũng thế thôi. Cũng nửa đời nửa đoạn!”.
Đến tìm sự tư vấn của Hạnh Dung, chị Thảo Nguyên (Q.12) cho biết: “Bao năm tôi gắng sống với người chồng vô trách nhiệm, trăng hoa, vũ phu chỉ vì sợ người đời chê cười, cha mẹ mang tiếng. Mãi đến khi bị chồng bạo hành đến phải đi cấp cứu, tôi mới chấp nhận ly hôn. Suốt một thời gian dài tôi không dám nhìn vào sự thật. Hiện tại và tương lai sao quá mịt mù. Tôi đã muốn quên đời trong lần uống một vốc thuốc ngủ. Con gái phát hiện, chạy đi báo ông bà, tôi mới thoát khỏi tay tử thần. Nhưng nói thật, đến giờ nhìn đời mình, tôi thấy vẫn tan hoang!”
Làm lại từ đầu
Dù muốn dù không, dù chủ động hay bị động, dù mạnh mẽ hay yếu đuối, những người phụ nữ bất hạnh ấy đều phải tự mình dọn dẹp đổ nát, chăm sóc những vết thương, và quan trọng là vẫn phải sống.
Có thể một phần đời của họ đã vĩnh viễn không còn, những ước vọng, niềm tin đã bị chôn vùi. Có thể có người mãi mãi không bao giờ trở lại được là chính mình như ngày xưa. Nhưng, rồi họ cũng phải gượng dậy, lấy công việc vừa là cứu cánh vừa là phương tiện.
Họ rụt rè, bi quan; hoặc bất cần, đanh đá, luôn muốn trả thù. Họ xù lông như một con nhím vì mặc cảm, tự ti và e ngại cuộc đời. Họ co mình lại ôm lấy những tổn thương. Rồi có người quyết hy sinh bản thân, chỉ sống vì con. Có người vội vàng đi bước nữa, thậm chí đi… nửa bước, chỉ để trả thù người xưa. Có người tự nguyện hạ mình thấp xuống trong tình yêu, hôn nhân; không dám đòi hỏi gì ở người sau. Họ lặp lại một cuộc đời cam chịu, vì lo chẳng may lại đổ vỡ thêm lần nữa.
Cứ thế, bức tranh xám xịt loang dần trong những người đàn bà tổn thương. Không ai có thể giúp được họ, trừ bản thân họ. Chỉ khi nào họ xốc lại được niềm tin: ly hôn chẳng phải là lỗi lầm của riêng người phụ nữ, thì khi đó họ mới có thể thanh thản sống cuộc đời khác. Suy sụp, gục ngã hoàn toàn hay biến nỗi đau tan vỡ thành sức bật thay đổi đời mình, hoàn toàn tùy thuộc vào ý chí của mỗi người phụ nữ.
Việc họ xem hôn nhân gãy đổ là một tai nạn nhiều người có thể mắc phải, hay một biến cố kinh hoàng trong đời người, sẽ quyết định con đường trước mắt của họ là thanh thản hay gập ghềnh. “Đằng nào cũng phải sống, sao mẹ không sống vui? - câu nức nở của một đứa con khi thấy người mẹ đắm chìm trong đau khổ, tuyệt vọng, thật sự là một lời cảnh tỉnh.
Hãy cho con niềm tin, sự bình yên, hạnh phúc để con bước vào đời, để sau này con có được một gia đình bình ổn. Đã là quá khứ thì hãy để chúng ngủ yên. Nếu những người phụ nữ chúng ta không quan tâm đến tương lai của chính mình thì cũng xin nghĩ đến những đứa trẻ, đừng để chúng bất hạnh hai lần.
Tác giả bài viết: Khánh Thủy