Cuộc sống

Hơn 10 năm tôi cày bừa nuôi chồng con, không ngờ lại lãnh kết cục cay đắng thế này

Hơn 10 năm tôi xoay như chong chóng, cày bừa nuôi chồng con, không ngờ lại nhận lãnh kết cục cay đắng thế này. Ba má tôi khuyên ráng nhẫn nhịn. Nhưng nếu tiếp tục sống bên chồng, tôi càng thấy mỏi mòn, nặng nề, ngột ngạt.

Tôi có tiệm làm tóc. Chồng tôi là nhân viên kinh doanh, thu nhập mỗi tháng hơn 20 triệu. Vì thế, mọi người vẫn nghĩ vợ chồng tôi dư ăn dư để, đâu ai biết tôi luôn trong tình trạng thiếu trước hụt sau.

Khi mới cưới, chồng thuyết phục tôi đưa của hồi môn và vàng cưới để mua 10 công đất. Thấy việc đó cũng là đầu tư căn cơ, bền vững nên tôi bằng lòng. Chồng tôi giao kèo, tôi phải lo hết chi tiêu trong nhà, tiền của anh để nuôi ba má ở quê và tu bổ mấy công vườn. Tôi thấy rõ cách tính này của anh không công bằng, nhưng chẳng lẽ vợ chồng mới cưới đã cãi nhau vì tiền nong?

Tiệm của tôi đắt khách nhưng hàng tháng tiền thuê mặt bằng, trả lương cho ba người phụ việc và chi phí điện nước, ăn uống… là con số không nhỏ. Tôi phải tự gói ghém, không dám than thở với chồng. Tôi bám vào hy vọng, đến khi mấy công vườn cho thu nhập, vợ chồng sẽ có dư. Nhưng ngày đó có vẻ như còn… xa lắm. Anh kể, phải thuê máy móc đắp đê, lên liếp, đào mương, mua giống cây, phân bón… chi phí đổ vào không có điểm dừng.

Ba năm sau, chuối, xoài, ổi… bắt đầu cho trái. Tôi về quê, thấy thùng trái cây xếp hàng la liệt trong sân mà phát ham. Ba má chồng cùng chị Ba, chị Tư phân loại để bán cho thương lái. Cầm cọc tiền, chị Ba nói phải trả tiền thuê nhân công và mua phân bón cho vụ tới. Vậy là vợ chồng tôi chẳng có đồng nào. Chồng tôi an ủi: “Bù đắp vô vườn tược chớ mất đi đâu”. Đó là những lúc trúng mùa. Khi mùa màng thất bát, chồng lại bảo tôi đưa tiền để bù chi phí. Tôi não lòng vì “được mùa mất trắng, thất mùa thì tốn thêm tiền”.

Chị Ba phụ ba má chăm sóc vườn giúp vợ chồng tôi. Chị Tư có nghề làm móng dạo nhưng “bù đầu với mấy công vườn của vợ chồng em, chị có làm được gì đâu”. Ai cũng có công, nên tôi phải ngầm hiểu thu nhập từ vườn là để nuôi cả nhà. Thấy tôi không vui, má chồng nặng nhẹ: “Mua mấy công vườn rồi quăng đó cho hai thân già và hai chị gánh giùm. Nắng không tới mặt, mưa không tới đầu, bây đâu có biết đá biết vàng”. Tôi còn dám đòi hỏi gì!


Từ ngày tôi sinh bé My, chồng tự giác đưa tôi mỗi tháng hai triệu. Nhiều lần, tôi cố tình đưa hai triệu nhờ chồng đi mua sữa. Mang bốn hộp sữa về, anh than: “Sữa cho con nít mà cũng mắc dữ thần”. Tôi chờ anh tháng sau sẽ chủ động đưa thêm tiền nhưng không thấy. Nhờ anh mua cho con bịch tã, hộp bột, chai dầu… anh cũng nhắc tôi đưa tiền. Nhiều lần chở tôi đi ngoài đường, anh chợt dừng lại, chỉ vào cửa hiệu quần áo: “Cái áo (hay quần) đó đẹp quá, hợp với anh”. Tôi cười méo xẹo khi phải móc túi để làm một người vợ biết chiều chồng.

Một lần con gái phải vào viện vì sốt xuất huyết, ngay lúc tôi vừa đóng tiền nhà và trả lương thợ. Hỏi tiền chồng, anh nói mới chuyển tiền để chị Ba thuê máy vét mương. Tôi đành muối mặt vay mượn bạn bè. Tình cờ, anh vào nhà vệ sinh, điện thoại để trong túi quần đổ chuông. Tôi lấy điện thoại ra xem ai gọi, thấy trong túi quần có hơn 10 triệu. Nhìn cọc tiền, lòng tôi cay đắng không sao tả nổi.

Vợ chồng là cùng đỡ bước nhau đi qua những đoạn gập ghềnh, sao anh không màng đến những bất trắc, sóng gió trên đường của tôi và con? Sóng gió quăng quật hai mẹ con tôi tơi bời, sao anh không chìa tay ra…

Sau lần đó, tôi uất ức tung hê mọi chuyện, đòi anh phải có trách nhiệm với gia đình, chia đôi chi phí hàng tháng. Anh nói tôi nhỏ nhen, không biết tính toán lâu dài. Má chồng nghe chuyện, mắng tôi: “Đàn ông kiếm tiền là để làm chuyện lớn. Bây mới có một đứa con mà không lo nổi, kêu réo chồng hoài biểu sao nó không cự”. Lời má làm tôi đau thấu tâm can.

Một lần vợ chồng cãi nhau, tôi đòi ly hôn. Anh nói chuyện nhỏ xíu cũng quậy cho lớn, rồi cười cười: “Nếu ly hôn, em phải ra đi mình không. Đất do ba đứng tên, không chia được”. Tôi bàng hoàng, không ngờ anh đã tính toán cạn tàu ráo máng ngay từ đầu. Luật sư nói tôi phải chứng minh được mình đã đưa tiền cho anh mua đất, nhưng tôi làm sao được?

Hơn 10 năm tôi xoay như chong chóng, cày bừa nuôi chồng con, không ngờ lại nhận lãnh kết cục cay đắng thế này. Ba má tôi khuyên ráng nhẫn nhịn, vì chồng tôi không cờ bạc, trai gái; nhưng nếu tiếp tục sống bên chồng, tôi càng thấy mỏi mòn, nặng nề, ngột ngạt. Tôi đã đuối sức, lòng cũng đã nguội lạnh, chỉ muốn buông tay, dù phải mất tất cả.

Tác giả bài viết: Nguyễn Minh Trang

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP