Quản trị bếp không chỉ là chế biến món ăn
Trong giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành, các trường nghề rất khó tuyển sinh, chỉ riêng ngành bếp là nhu cầu học không giảm sút, ở nhiều trường còn gia tăng học viên.
Thạc sĩ Trần Phương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Giao chia sẻ: "Nhiều người học nghề bếp không phải là để đi làm đầu bếp mà đơn giản là họ có nhu cầu nấu ăn ngon để phục vụ bản thân và gia đình. Có lẽ trong mùa dịch, người ta nhận ra nấu ăn cũng là một biện pháp thư giãn tốt trong không khí căng thẳng thế này".
Tuy nhiên, với những người xác định xác định nghề bếp là sự nghiệp của mình thì chuyên ngành Quản trị bếp và ẩm thực là chương trình đào tạo toàn diện nhất cho người đầu bếp, hướng đến kỹ năng hoàn thiện cho bếp trưởng, người kinh doanh lĩnh vực ẩm thực.
Ngành quản trị bếp đào tạo sinh viên toàn diện các kỹ năng trong nhà bếp (Ảnh: TC Việt Giao). |
Theo Thạc sĩ Trần Phương, quản trị bếp không đơn thuần chỉ là học kỹ thuật chế biến món ăn mà người học còn được học cả cách lập kế hoạch, cách xây dựng thực đơn, định mức của thực đơn cho phù hợp với từng loại tiệc khác nhau, sinh lý dinh dưỡng và tính toán khẩu phần ăn, tâm lý và văn hóa ẩm thực của từng nhóm khách, điều hành bộ phận ẩm thực...
Ông cho biết: "Quản trị bếp và ẩm thực là ngành học chuyên sâu về nguyên lý, phương pháp và quy trình chế biến món ăn, bao gồm kỹ năng và nghiệp vụ chuyên thuộc tất cả các khâu chế biến trong nhà hàng, khách sạn, quán ăn… nhằm kinh doanh được mặt hàng ăn uống một cách đa dạng".
Học viên ngành này khi ra trường có thể am hiểu kỹ năng làm bếp, kinh doanh các dịch vụ như bữa ăn thường ngày, các bữa tiệc và ăn tự chọn… Về sản phẩm, họ có thể kinh doanh theo phong cách ẩm thực Việt, Á, Âu.
Thạc sĩ Trần Phương cho hay: "Với những gì học được, người học sẽ nắm được kỹ thuật và cách kết hợp các nguyên liệu, thực phẩm, gia vị… để tạo nên sự hài hòa, ngon miệng cho món ăn chứ không chỉ học công thức chế biến món ăn riêng biệt nào".
Người học sẽ nắm được kỹ thuật và cách kết hợp các nguyên liệu, thực phẩm, gia vị… để tạo nên sự hài hòa, ngon miệng cho món ăn (Ảnh: TC Việt Giao). |
Cơ hội nghề nghiệp rộng mở
Về kỹ năng cơ bản, sinh viên ngành quản trị bếp được học hết các kỹ năng của một đầu bếp là lựa chọn, sơ chế và bảo quản nguyên liệu, chế biến món ăn theo đủ phong cách Âu - Á - Việt, cắt tỉa và trang trí món ăn...
Do đó, họ có thể đảm nhiệm bất cứ vị trí nào trong nhà bếp phù hợp với yêu cầu của nhà tuyển dụng cũng như là sở thích cá nhân. Đây cũng là một lợi thế cực lớn khi học viên quyết định kinh doanh riêng bằng các quán ăn nhỏ, vì họ có nhiều kỹ năng để lựa chọn loại sản phẩm, dịch vụ mình sẽ kinh doanh.
Về cơ hội nghề nghiệp, Hiệu trưởng Trường Việt Giao khẳng định: "Tỷ lệ sinh viên ngành bếp ra trường có việc làm ổn định chiếm hơn 98%. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu về ăn, mặc, ở của con người ngày càng được nâng cao, các cơ sở kinh doanh ẩm thực tăng lên, kéo theo đó là nhu cầu về nguồn nhân lực ngành này, đặc biệt nguồn nhân lực có tay nghề cao, được đào tạo bài bản".
Theo ông, sinh viên ngành quản trị bếp có cơ hội nghề nghiệp rất rộng mở. Họ có thể làm đầu bếp chuyên nghiệp tại các điểm kinh doanh ẩm thực, nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, bếp ăn tập thể, chuyên gia dinh dưỡng, thẩm định..., hoặc có thể tự mở mô hình, cửa hàng kinh doanh dịch vụ ẩm thực.
Sinh viên ngành quản trị bếp có cơ hội nghề nghiệp rộng mở (Ảnh: TC Việt Giao). |
Thạc sĩ Trần Phương cho rằng: "So với các ngành nghề khác, ngành quản trị bếp và ẩm thực không kén "đất diễn", ở đâu có con người thì ở đó có nhu cầu về ẩm thực. Sau khi tốt nghiệp, trường đảm bảo đầu ra việc làm cho học viên tại các điểm kinh doanh dịch vụ, ẩm thực, nhà hàng khách sạn tại các quận trung tâm với mức lương khởi điểm cao, dễ dàng ổn định cuộc sống".
Với những sinh viên học ở các trường có chương trình đào tạo đầu bếp theo chuẩn quốc tế với thời gian học 2 năm như Việt Giao, sinh viên tốt nghiệp có bằng Trung cấp chính quy thể tự do dịch chuyển lao động ở các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines…
Bên cạnh đó, họ cũng có thể bổ sung thêm các yêu cầu cần thiết để tìm kiếm cơ hội việc làm tại các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Trung đông... với mức thu nhập cao hơn hẳn.
Nhân lực ngành bếp ở các nước có nhu cầu rất cao (Ảnh: TC Việt Giao). |
Ngành Quản trị bếp - ẩm thực bậc Trung cấp chính quy có thời gian đào tạo là từ 1,5-2 năm (đối với người tốt nghiệp THPT); 2,5-3 năm (đối với người tốt nghiệp THCS). Học phí ngành này là 11,8 triệu đồng/học viên/năm. Học viên học nghề được miễn giảm học phí theo Nghị định 81, đặc biệt là học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề sẽ được hưởng nhiều ưu đãi theo chương trình định hướng phân luồng của Chính phủ. |
Tác giả: Tùng Nguyên
Nguồn tin: Báo Dân trí