Pháp luật

"Hố đen" ATGT do xâm thực bờ Sông Đào

Sông Đào chảy qua địa phận xã Xuân Hòa - huyện Nam Đàn dài hơn 2km, hiện có trên 100m bị sạt lở nghiêm trọng, có những điểm sạt lở, khoét sâu so với với vị trí ban đầu vào gần 4m đã tạo thành những "hố đen" cho người tham gia giao thông.

Nam Đàn: Thấp thỏm bên bờ sông Đào

Do chịu ảnh hưởng của nhiều đợt mưa lũ, nhất là trận mưa lụt kéo dài vào trung tuần tháng 10/2016 , đoạn đường đi vào vùng Bàu Nón thuộc 3 xã: Nam Thanh, Vân Diên và Xuân Hòa nằm ven bờ sông Đào đã bị xói mòn, sạt lở, sụp lún, phần lớn con đường đã bị cuốn trôi xuống lòng sông, bờ sông, mặt đường ngày càng thu hẹp, gây khó khăn cho việc đi lại sản xuất của bà con nơi đây.

Bờ sông Đào sạt lở lấn sâu vào cả đường đi
Anh Đỗ Thanh An - người dân xã Xuân Hòa cho hay: Là những người trực tiếp sản xuất thâm canh trên khu vực Bàu Nón này, hiện việc đi lại rất khó khăn, có những điểm xâm thực đoạn đường chỉ còn 1,5m, điểm rộng chỉ còn 3,5m nên ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất của người dân. Đề nghị các cấp, các ngành có thẩm quyền hỗ trợ cho địa phương và người dân chúng tôi có được con đường đi lại sản xuất an toàn.
Có những điểm xâm thực làm đoạn đường chỉ rộng còn 1,5m
Sông Đào chảy qua địa phận xã Xuân Hòa dài hơn 2km, hiện có trên 100m bị sạt lở nghiêm trọng, có những điểm sạt lở, khoét sâu so với với vị trí ban đầu vào gần 4m, toàn bộ tuyến đường này đã bị lũ cuốn trôi. Trước tình hình xâm thực của dòng Sông Đào, Đảng ủy, chính quyền xã Xuân Hòa đã kè bằng việc đóng cọc tre, đổ đất, đá để chặn dòng nước xoáy nhưng cũng không ăn thua gì so với sự hung hãn của dòng nước vào mỗi đợt mưa lụt.
Một điểm xâm thực sâu ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân xã Xuân Hòa
Ông Hồ Mạnh Hùng- Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết thêm: Trước tình hình đó, địa phương đã có nhiều giải pháp như dùng cọc tre đóng, đổ đan phên, đổ đá cát xuống để tạo chân nhưng do lũ lụt quá lớn nên thời gian vừa rồi đã cuốn trôi tất cả và hiện đã lấn sâu vào hết cả con đường đi, gây khó khăn cho nhân dân đi lại trong sản xuất cũng như đường dân sinh, trong khi kinh phí của địa phương hết sức khó khăn, việc đổ bê tông kè xuống Sông Đào thì không thể làm được, chúng tôi rất mong được sự quan tâm ủng hộ, giúp đỡ của các cấp về kinh phí cũng như chỉ đạo để có kè chống xâm thực vào đường dân sinh vùng Bàu Nón.
Đóng cọc tre, đổ đất, đá để chặn dòng nước xoáy nhưng bờ sông Đào vấn tiếp tục sạt lở qua mỗi đợt mưa lụt
Thiết nghĩ ngoài sự nỗ lực khắc phục của chính quyền địa phương, các cấp, các ngành cấp cần tích cực vào cuộc, sớm xem xét, khảo sát, có biện pháp xử lý hiệu quả nhằm giảm quá trình xâm thực của sông Đào, nhất là vào thời điểm mưa bão để người dân yên tâm đi lại và sản xuất.

Tác giả bài viết: Kim Dung

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP