Kinh tế

Hé mở về Hợp Lực - ‘ông lớn’ trong lĩnh vực xây dựng khu công nghiệp

Hợp Lực là tổng thầu thiết kế và thi công cho loạt dự án lớn như: Nhà máy Luxshare-ICT 2 (tỉnh Nghệ An), dự án Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và phụ thuộc ô tô Juteng (tỉnh Nghệ An), Nhà máy điện tử BYD Việt Nam (tỉnh Phú Thọ)…

Các dự án Hợp Lực thực hiện thi công. Ảnh: Hợp Lực.

Nhờ chính sách ưu đãi đối với khu công nghiệp, số lượng khu công nghiệp (KCN) của Việt Nam trong giai đoạn 1991 – 2022 đã tăng lên đáng kể. Theo đó, từ con số 1 KCN năm 1991, lên đến 260 KCN năm 2010, và 407 KCN vào cuối năm 2022.

Trong thời gian tới, triển vọng lĩnh vực khu công nghiệp tại Việt Nam được giới chuyên gia nhận định khả quan nhờ vào nhiều yếu tố, đó là: Xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc; hay dòng vốn FDI tiếp tục diễn biến tích cực, với sự hỗ trợ từ các chính sách thuận lợi và cải thiện hạ tầng giao thông đặc biệt là khu vực phía Nam.

Với những yếu tố thuận lợi kể trên, nhiều công ty đã thể hiện tham vọng gia nhập hoặc mở rộng lĩnh vực này, như Hòa Bình, Coteccons….Dù vậy, ít ai biết một doanh nghiệp có thâm niên đã gia nhập lĩnh vực này từ rất sớm, đó là CTCP Xây dựng Hợp Lực (Hợp Lực).

Hợp Lực được thành lập vào năm 2009 với xuất phát điểm là một đơn vị tư vấn xây lắp, thầu phụ. Chỉ 1 năm sau ngày thành lập (năm 2010), công ty trở thành nhà thầu phụ xây dựng nhà máy điện tử Samsung Electronics Việt Nam - nhà máy đầu tiên của Samsung ở Việt Nam tại KCN Yên Phong (Bắc Ninh).

Sau một giai đoạn tích lũy kinh nghiệm và nguồn lực, Hợp Lực đến năm 2014 đã có bước đi quan trọng khi trở thành một công ty “Tổng thầu thiết kế & thi công” (viết tắt là E&C). Năm 2016, công ty là E&C tại dự án Nhà máy điện tử Luxshare-ICT (Việt Nam) - một dự án lớn yêu cầu cao về mặt kỹ thuật và chuyên môn.

Đến thời điểm hiện tại, Hợp Lực đang thực hiện E&C cho loạt dự án lớn như: Nhà máy Luxshare-ICT 2 (tỉnh Nghệ An); dự án Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và phụ thuộc ô tô Juteng (tỉnh Nghệ An); Nhà máy điện tử BYD Việt Nam (tỉnh Phú Thọ); nhà thầu chính nhà máy Công ty TNHH Công nghệ Thông minh Goertek Vina (tỉnh Bắc Ninh)…

Đi cùng với việc thi công loạt dự án lớn, quy mô vốn/doanh thu của Hợp Lực cũng tăng trưởng nhanh chóng. Cụ thể, vốn điều lệ công ty giai đoạn 2019-2023 ghi nhận vốn điều lệ công ty tăng gấp 5 lần từ mức 150 tỷ đồng vào tháng 11/2019 lên 750 tỷ đồng tại thời điểm tháng 7/2023. Bên cạnh đó, doanh thu Hợp Lực giai đoạn 2015-2022 ghi nhận tăng bình quân gần 35,5%/năm. Tính riêng năm 2022, doanh thu công ty đạt 3.400 tỷ đồng, giảm gầm 33,2% so với năm 2021.

Đằng sau sự phát triển nhanh chóng của Công ty Hợp Lực phải kể đến đội ngũ lãnh đạo là ông Lê Anh Hùng (Chủ tịch HĐQT), ông Trần Ngọc Tân (Tổng giám đốc, Người đại diện công ty), ông Nguyễn Mạnh Hùng (Phó Tổng giám đốc).

Tham vọng của ban lãnh đạo của Hợp Lực không chỉ dừng lại ở xây dựng khu công nghiệp. Do đó, công ty đã mở rộng thêm 5 đơn vị thành viên, là: CTCP Capplus (bán buôn đồ cho gia đình), CTCP Cơ Điện Hợp Lực (lắp đặt hệ thống điện, vốn điều lệ 150 tỷ tại thời điểm tháng 4/2023), CTCP HL Windows (vốn điều lệ 250 tỷ đồng tại ngày 20/12/2023), CTCP Công nghệ Mạ Hợp Lực (vốn điều lệ 280 tỷ đồng tại ngày 7/6/2023), CTCP Cap Hưng Yên (sản xuất giường tủ bàn ghế).

Trong số này, đáng chú ý là CTCP Công nghệ Mạ Hợp Lực - pháp nhân thành lập vào cuối năm 2019 với “sứ mệnh sẽ trở thành một trong những nhà máy mạ tiêu chuẩn hàng đầu tại Việt Nam”.

Thời điểm mới thành lập công ty này có vốn điều lệ 150 tỷ đồng, góp bởi Công ty Hợp Lực (51%), ông Trần Ngọc Tân (10%), ông Lê Anh Dũng (10%), ông Lê Anh Hùng (19%) và ông Nguyễn Mạnh Hùng (10%). Cập nhật ở lần thay đổi gần nhất (7/6/2023), Mạ Hợp Lực có vốn điều lệ 280 tỷ đồng, Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật là ông Lê Anh Dũng (SN 1973).

Đặt trụ sở tại Hưng Yên, Mạ Hợp Lực là chủ đầu tư dự án nhà máy mạ kim loại nằm trên diện tích 21.600m2 cũng tại tỉnh này.

Tác giả: HỮU BẬT

Nguồn tin: nhadautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP