Tại cuộc họp giao ban triển khai nhiệm vụ tháng 10 và những tháng cuối năm, đại diện Cục Chăn nuôi cho biết, đến cuối tháng 9, tăng trưởng chăn nuôi duy trì ở mức tăng 3,36%.
Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng chăn nuôi trong những tháng cuối năm sẽ gặp khó khăn nếu không chú ý chỉ đạo tăng đàn, chuyển đổi cơ cấu đàn vật nuôi. Đến tháng 9, số đầu lợn đã giảm 10% so với cùng kỳ và dịch lở mồm long móng đang xuất hiện tại một số tỉnh như: Cao Bằng, Sơn La, Lai Châu, Hà Tĩnh,... Những yếu tố này có khả năng gây ảnh hưởng đến tăng trưởng của lĩnh vực chăn nuôi.
Giá lợn tăng giảm thất thường thời gian qua khiến người chăn nuôi không mặn mà tới chuyện tái đàn |
Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 9 tháng ước đạt 2.732 nghìn tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý III/2017 đạt 522 nghìn tấn, giảm 2,3% so với quý III/2016.
Theo Cục Chăn nuôi, chăn nuôi trâu, bò không có biến động lớn, gia cầm phát triển khá tốt. Riêng đối với chăn nuôi lợn, do giá bán tăng/giảm không ổn định nên người chăn nuôi không mặn mà với việc tái đàn, hiện chỉ có các hộ có quy mô nuôi lớn, trang trại, doanh nghiệp duy trì nuôi cầm chừng.
Trước đó, người ngăn nuôi lợn trên cả nước gặp rất nhiều khó khăn khi giá lợn giảm kỷ lục trong vòng nhiều năm và kéo dài suốt từ những tháng cuối năm 2016 cho đến giữa năm 2017. Trong cơn đại khủng hoảng của ngành lợn, nhiều hộ chăn nuôi lợn đã vướng cảnh nợ nần, thậm chí nhiều hộ phá sản vì thua lỗ trong thời gian dài.
Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng ngành chăn nuôi nói riêng và ngành khác trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo, trong 3 tháng còn lại của năm 2017, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ chủ động rà soát tổng thể chương trình hành động của đơn vị mình trên tất cả các mặt: tăng trưởng, đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính, quản lý ngành, văn bản pháp luật, đặc biệt khâu cải cách hành chính.
Tác giả: B.H
Nguồn tin: Báo VietNamNet