Kinh tế

Hàng Thái: Từ đầu tư đến thương mại

Cùng với những thương vụ thâu tóm doanh nghiệp phân phối tại Việt Nam của 2 tỷ phú Chirathivat (Tập đoàn Central Group) và Charoen Sirivadhanabhakdi (TCC Holdings), gần đây, nhiều mặt hàng từ Thái Lan đã vươn lên dẫn đầu về nhập khẩu vào Việt Nam. Điều này được dự báo sẽ mở đầu cho cuộc chinh phục thị trường Việt Nam của hàng hóa "made in Thailand".

Chưa đầy nửa đầu năm 2016, chuỗi bán lẻ Big C Việt Nam (33 trung tâm thương mại, siêu thị và đại siêu thị), hệ thống bán sỉ Metro Cash & Carry (19 trung tâm), trang thương mại điện tử Zalora Việt Nam đã rơi vào tay người Thái. Trước đó, chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim (21 siêu thị), chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart (đổi tên thành B's mart) cũng đã thuộc về doanh nghiệp (DN) Thái. Song song với đầu tư, quan hệ thương mại Việt - Thái cũng tăng trưởng mạnh, chủ yếu là nhập khẩu hàng hóa từ Thái.

Thay vì lo lắng thị trường nội địa bị hàng Trung Quốc chi phối, giờ đây DN Việt Nam bắt đầu e ngại sự lớn mạnh của hàng Thái. Nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Thái Lan đã lần lượt "soán ngôi" hàng Trung Quốc, dẫn đầu về giá trị nhập khẩu vào Việt Nam. Theo báo cáo của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, quý I/2016, kim ngạch nhập khẩu rau quả Việt Nam đạt 156,8 triệu USD, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Điều đáng nói, rau quả từ Thái đã vượt lên Trung Quốc để dẫn đầu thị phần tại Việt Nam, với kim ngạch đạt gần 60 triệu USD, tăng 125% so với cùng kỳ năm 2015. Cụ thể, trong nhóm 10 thị trường lớn cung cấp rau quả cho Việt Nam, Thái Lan từ 24,13% thị phần năm 2015 đã vươn lên chiếm 38,18% thị phần trong năm nay. Ngược lại, thị phần của rau quả Trung Quốc tại Việt Nam giảm từ 27,7% xuống còn 24,98%, dù thực tế, giá rau quả Thái cao hơn.

Nhìn chung trong quý I/2016, Việt Nam nhập siêu từ khối ASEAN với mức hơn 1,72 tỷ USD. Một trong số đối tác có mức thâm hụt thương mại lớn nhất của Việt Nam là Thái Lan, Singapore. Được biết, 3 tháng đầu năm 2016, kim ngạch hai chiều Việt - Thái đạt 2,65 tỷ USD (mức này chiếm đến 28% tổng kim ngạch chung giữa Việt Nam - ASEAN), trong đó giá trị nhập khẩu từ Thái đạt 1,818 tỷ USD, tăng gần 8,3% so với cùng kỳ 2015.

Cùng với rau quả, trong quý I/2016, lượng xe Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam đạt 7.814 chiếc, trị giá 141,6 triệu USD, chiếm đến 39,7% tổng lượng xe nguyên chiếc nhập khẩu của cả nước và chiếm 29,1% về giá trị. Chỉ tính riêng ô tô nhập khẩu từ Thái, con số này đã tăng gần gấp đôi về số lượng và giá trị so với lượng nhập khẩu chung của cả nước ở thời điểm cùng kỳ năm ngoái.

Với kết quả này, Thái Lan vượt qua Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và dẫn đầu thị trường xe nhập khẩu tại Việt Nam. Số liệu từ Tổng cục Hải quan gần đây cũng cho thấy, 4 tháng đầu năm, Thái Lan vẫn giữ vững ngôi đầu về xe nhập khẩu, với 10.155 xe, chiếm 35% lượng xe nhập khẩu của cả nước.

Một trong những lý do khiến ô tô nhập khẩu từ Thái vào Việt Nam tăng mạnh trong những tháng đầu năm nay được lý giải là từ ngày 1/1/2016, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các quốc gia ASEAN đã giảm từ mức 50% xuống còn 40%, theo lộ trình từ đầu năm 2017 sẽ tiếp tục giảm còn 30% và sang đầu năm 2018 là 0% khi thực thi hiệp định thương mại Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA).

Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng, chưa bao giờ làn sóng đầu tư, hàng hóa từ Thái Lan lại diễn ra mạnh mẽ như trong 2 năm trở lại đây. DN Thái Lan không "kèn trống" nhưng vào Việt Nam đúng thời điểm và nắm giữ đúng những lĩnh vực có tác động đến sản xuất, kinh doanh của DN trong nước và tiêu dùng thiết yếu của người dân (lĩnh vực F&B, hàng tiêu dùng nhanh, xây dựng...).

Điển hình tỷ phú giàu thứ ba Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, song song với việc thâu tóm một số hệ thống phân phối tại thị trường Việt Nam, thông qua công ty thành viên là ThaiBev (DN bia lớn nhất ở Thái với thương hiệu Chang Beer), nhà Sirivadhanabhakdi đã gián tiếp nắm giữ 11% vốn điều lệ của Vinamilk.

Đồng thời tỷ phú này từng bày tỏ ý định mua 40% cổ phần của Sabeco (tương ứng với giá trị gần 1 tỷ USD). Việc mua cổ phần Sabeco không chỉ có ThaiBev mà cả Singha Asia (thành viên của Tập đoàn đa ngành Boon Rawd Brewer) của tỷ phú giàu thứ 7 Thái Lan, Santi Bhirombhakdi cũng đã "đánh tiếng".

Vào cuối tháng 12/2015, Singha Asia đã chi 1,1 tỷ USD để sở hữu 25% cổ phần của Masan Consumer Holdings (hàng tiêu dùng) và 33,3% cổ phần của Masan Brewery (đồ uống) thuộc Tập đoàn Masan.

Masan Consumer được xem là một trong những nhà sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất Việt Nam và DN này đã thực hiện nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) với Nước khoáng Vĩnh Hảo, Vinacafé, Saigon Nutri Food (sản xuất thực phẩm đóng hộp, xúc xích), Cholimex Food (sản xuất tương ớt, nước chấm...). Thương vụ này theo như công bố hồi tháng 12/2015 sẽ bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm nay.

Theo StoxPlus, năm 2014, Thái Lan dẫn đầu hoạt động M&A tại Việt Nam, với giá trị các thương vụ trên 800 triệu USD. Đến năm 2015, Thái Lan vẫn nằm trong 3 quốc gia dẫn đầu về M&A (cùng với Hong Kong và Nhật Bản) với giá trị giao dịch đạt 209 triệu USD và chủ yếu là nắm giữ cổ phần chi phối.

Tác giả bài viết: Nguyên Bảo - Duy Khuê

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP