Nhìn về tương lai, đại diện một trong những hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới, lạc quan về triển vọng ngành hàng không Việt Nam.
Việt Nam được hưởng lợi nhờ đầu tư máy bay thế hệ mới
Cụ thể theo Boing, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Điều này góp phần khiến châu Á - Thái Bình Dương trở thành thị trường máy bay thương mại tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới.
Bà Joanna dẫn lại báo cáo thị trường năm 2016 của Boeing nhận định khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ đóng góp 40% máy bay bàn giao mới trong 20 năm tới, tương đương 15.130 máy bay, tổng giá trị 2.300 tỷ đôla. Riêng Đông Nam Á sẽ cần tới 3.860 máy bay mới, trị giá hơn 565 tỷ đôla.
Vận chuyển hàng không trong khu vực Đông Nam Á sẽ dẫn đầu với mức tăng trưởng 7,7% mỗi năm. Tăng trưởng GDP khu vực này được dự báo ở mức 4,4% trong 20 năm tới. Và Việt Nam được dự báo có mức tăng cao hơn trung bình khu vực.
Bà Joanna chỉ rõ, các hãng hàng không Đông Nam Á tăng trưởng nhanh cùng đà tăng trưởng kinh tế khu vực. Các hãng chi phí thấp như Vietjet Air đang mở rộng và giành thị phần, thúc đẩy nhu cầu khách hàng với mức giá hấp dẫn và những đường bay mới.
Thị trường khu vực cũng tăng trưởng nhanh khi quan hệ ASEAN được thắt chặt, thúc đẩy giao thương và du lịch.
"Việt Nam sẽ hưởng lợi từ tăng trưởng này, nhờ việc đầu tư vào những máy bay mới tiết kiệm nhiên liệu như 787 Dreamliner hay 737 MAX, nhờ tăng năng lực vận hành hàng không của các công ty đóng tại Việt Nam, cũng như nỗ lực đạt được công nhận FAA hạng 1 của Mỹ", bà Joanna Pickup nói.
11 chiếc 787 Dreamliners với ưu thế vượt trội về tính tiết kiệm và hiệu quả sẽ giúp Vietnam Airlines vận hành đường bay có lãi và mở rộng thị trường, trong khi cung cấp cho khách hàng trải nghiệm tuyệt vời trên máy bay. Vietnam Airlines hiện là hãng có đội tàu bay Dreamliner 787-9 lớn nhất Đông Nam Á.
Máy bay 787 MAX cũng sẽ làm điều tương tự cho Vietjet Air với phiên bản mới của dòng 737. Boeing thậm chí tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục dẫn đầu tăng trưởng ngành hàng không ở khu vực, và hãng vui mừng được đóng vai trò mấu chốt.
Hợp đồng 11,3 tỷ USD và dấu ấn Boeing tại Việt Nam
Một năm trước, Boeing đã có hợp đồng trị giá lên tới 11,3 tỷ USD với hãng Vietjet Air, khi hãng hàng không của Việt Nam đặt mua 100 máy bay B373 MAX 200 của Mỹ. Thông tin cho biết số máy bay này sẽ được bàn giao trong thời gian từ năm 2019 đến năm 2023, nâng tổng số máy bay của Vietjet Air lên 200 chiếc.
Con số 11,3 tỷ USD vượt qua bất kỳ bản hợp đồng làm ăn nào mà một doanh nghiệp Việt Nam đã ký kết với doanh nghiệp Mỹ trước đó. Đây cũng là vụ mua bán máy bay thương mại lớn nhất của hàng không Việt Nam.
Thông tin từ Business Insider cho biết có thể Vietjet Air được phía Boeing giảm tới 50% giá niêm yết cho hợp đồng này. Trao đổi với Zing.vn, bà Joanna Pickup cho biết hãng từ chối bình luận công khai hoặc công bố chi tiết về các đàm phán, cũng như hợp đồng bán máy bay.
Bà nói thêm hãng của bà có những cuộc đối thoại thường xuyên với Vietjet về nhu cầu máy bay hiện tại cũng như tương lai.
Hãng cũng hài lòng với việc chốt hợp đồng với Vietjet và mong đợi bàn giao máy bay 737 MAX trong tương lai cho đối tác Việt Nam.
Với Boeing, thương vụ là dấu mốc lớn của hãng tại thị trường Việt Nam, nơi Airbus giữ thị phần lớn.
Boeing hiện diện khá sớm tại Việt Nam, vào năm 1995 khi Vietnam Airlines thuê 3 máy bay Boeing 767-300ER (Extended Range) đầu tiên.
Đây cũng là hãng đầu tiên ký hợp đồng giao thương với Việt Nam ngay sau khi hai nước Việt - Mỹ ký Hiệp định Thương mại song phương. Đối tác của hãng khi đó là hãng hàng không quốc gia, Vietnam Airlines (VNA) đã mua 4 máy báy Boeing 777-200ER vào tháng 1/2001. Các máy bay này được giao vào các năm 2003 và 2004.
Tháng 6/2005, VNA cũng là khách hàng khởi động dòng 787 Dreamliner, và chiếc Dreamliner 787-9 đầu tiên được giao cho Việt Nam tháng 7/2015.
Trước hợp đồng 11,3 tỷ USD năm 2016, toàn bộ máy của của Vietjet Air đều do Airbus cung cấp. Chỉ 2 năm trước đó, Vietjet Air cũng đã đặt mua hơn 100 máy bay dòng A320 của hãng Airbus, trị giá hơn 9 tỷ USD.
Tác giả bài viết: Phương Loan
Nguồn tin: