Kinh tế

Hà Tĩnh: "Triệu" dân lên nộp "phí nuôi ong", bị phản ứng lại đổ... lỗi đánh máy

Những ngày vừa qua, nhiều hộ dân nuôi ong lưu động trên địa bàn xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh hết sức bức xúc khi bị chính quyền xã này yêu cầu mỗi hộ nuôi phải nộp phí từ 2 đến 3 triệu/mùa.

>>Công an mời dân đến trụ sở nộp phí nuôi ong

Phát giấy mời nộp phí nuôi ong

Họ cho rằng việc địa phương đặt ra khoản thu “lệ phí nuôi ong” ở đây bất hợp lý.

nuoi ong 1496927291984
Người nuôi ong lưu động tại xã Kỳ Tây đang bị chính quyền địa phương thu khoản phí vô lý

Anh Nguyễn Minh Tường nuôi ong ở Kỳ Tây cho biết: “Cách đây khoảng 1 tuần tôi có nhận được giấy mời của Trưởng Công an xã Kỳ Tây yêu cầu tới UBND xã để nộp phí nuôi ong. Tôi làm nghề nuôi ong lưu động này đã nhiều năm và đi qua nhiều tỉnh nhưng chưa thấy địa phương nào lại đề ra khoản thu phí này”.

“Nếu bảo chúng tôi đóng quỹ bảo trợ trẻ em, quỹ an ninh trật tự thì chúng tôi có thể đồng tình và chấp nhận. Nhưng chuyện bắt chúng tôi nộp “lệ phí nuôi ong” thì không đúng. Bởi chúng tôi đã đăng ký tạm trú tạm vắng đầy đủ. Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm bảo vệ cho chúng tôi chứ”, anh Tường cho biết thêm.

Tương tự hộ nuôi ong Trần Ngọc Châu cho biết, anh cũng đã phải đóng phí 3 lần cho xã.

Anh Châu cho biết: “Muốn nuôi ong ở đây, chúng tôi phải trả cho người xin vườn một khoản tiền, giống như “cò” vườn ấy, rồi trả thêm cho chủ vườn nữa. Giờ lại phải nộp phí cho xã”.

“Lệ phí nuôi ong mà xã đề ra là quá vô lý. Công an đi từng trại thu tiền. Ban đầu mỗi trại phải đóng 3 triệu nhưng trại ong xin giảm xuống còn 2 triệu vì đợt này, ong đang mất mùa”, anh Châu cho biết thêm.

Cũng theo các hộ nuôi ong tại đây thì việc thu phí nuôi ong ở xã Kỳ Tây diễn ra từ năm 2011 đến nay. Hiện tại đang có tới 156 hộ dân đưa ong từ nơi khác về đặt tại vùng này.

Dân nói bắt buộc, xã nói tự nguyện?

Trả lời về sự việc này, ông Nguyễn Viết Kỳ, Chủ tịch UBND xã Kỳ Tây lại cho rằng, việc thu phí nuôi ong là tự nguyện chứ không bắt buộc!.

xa nuoi ong 1496927439092
Hiện tại đang có tới 156 hộ dân đưa ong từ nơi khác về đặt tại xã Kỳ Tây

“Do tính chất trên địa bàn khá phức tạp, khi đến đây các hộ nuôi ong phải ở lâu nên họ tự nguyện đóng cho xã làm phí bảo vệ. Tự nguyện nhưng mức giá 2 triệu/hộ. Đó là do các hộ tự đưa ra để cho bằng nhau chứ xã không đưa ra mức như thế”, ông Ký nói.

Còn về vấn đề Trưởng Công an xã phát giấy mời các hộ nuôi ong lên UBND xã nộp phí, thì vị này lại cho rằng do lỗi đánh máy.

“Việc Công an ghi giấy mời như vậy là do lỗi đánh máy, thiếu hợp lý, sai quy trình. Sắp tới xã sẽ làm đúng theo quy trình, quy định của nhà nước”, ông Kỳ nói.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Lương Nam, Trưởng Công an xã Kỳ Tây lại khẳng định việc gửi giấy mời và thu phí là thực hiện theo chỉ thị của xã.

“Khi người nuôi ong đến, xã đã có cuộc họp Thường vụ và thống nhất khoản thu rồi mới bàn giao cho công an phát giấy mời họ đến vừa làm tạm trú, vừa nộp phí bảo vệ ong. Ban đầu đặt giá 3 triệu/hộ, nhưng sau đó giảm xuống 2 triệu/hộ”.

“Chuyện này là tự nguyện và thành thông lệ rồi. Anh em (người nuôi ong lưu động_PV) đến họ đều biết quy định và thực hiện. Khi thu là có phiếu thu là ghi “lệ phí bảo vệ”, sau đó số tiền này sẽ chuyển về ngân sách xã. Trước đó, địa phương đã từng duy trì mức thu 10.000 đồng/ổ”, ông Nam nói thêm.

Tác giả bài viết: Xuân Sinh - Nguyễn Hiền

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP