Kinh tế

Gửi tiền sau Tết Nguyên đán, lãi suất ra sao?

Dù mức lãi suất không có sự biến động nhiều, nhưng gửi tiền sau Tết Nguyên đán vẫn là lựa chọn của nhiều người vì quan niệm lấy may và được nhận lì xì Tết.

Theo quan niệm của nhiều người, đầu năm mới gửi tiền vào ngân hàng để cả năm “ăn nên làm ra”. Nắm bắt tâm lý này, các nhà băng tung chương trình khuyến mãi như tăng lãi suất tiền gửi, lì xì cho khách hàng.

Cụ thể, tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), khách hàng sẽ được nhận ngay một phần quà lì xì may mắn trị giá 100.000 đồng khi thực hiện một trong các giao dịch như gửi sổ tiết kiệm, vay, phát hành thẻ, đăng ký gói tài khoản… tại quầy giao dịch của Vietcombank trong 2 ngày 17 và 18/2. Ngoài ra, khách hàng còn có cơ hội tham gia chương trình quay số cuối chương trình để nhận được sổ tiết kiệm lên đến 50.000.000 đồng cùng nhiều giải thưởng hấp dẫn khác.

Đầu năm, nhiều ngân hàng lì xì lấy may cho khách hàng.

Hay như tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV), khách hàng cũng sẽ được nhận ngay lì xì may mắn từ 50.000 đồng khi gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 1 đến 13 tháng và có cơ hội tham gia quay số trúng thưởng với nhiều phần quà giá trị lớn gồm: ô tô Mazda CX5 2.0L, 2 xe máy Honda PCX Hybrid 150, 10 xe đạp thể thao Asama Solano Factory...

Từ nay đến ngày 20/2/2021, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng sẽ tặng tiền, lì xì đến 268.000 đồng cho khách hàng gửi tiết kiệm, sử dụng các kênh trực tuyến như ngân hàng điện tử gồm Mobile Banking, Internet Banking, ứng dụng Sacombank Pay.

Dù tung ra các chương trình lì xì đầu năm, nhưng theo đánh giá của nhiều khách hàng, chương trình “khai xuân” tại các ngân hàng kém sôi động hơn so với những năm trước.

Nguyên nhân là do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 khiến cầu tín dụng yếu đi, lãi suất sẽ vẫn duy trì ở vùng thấp hiện tại và có thể còn giảm thêm nếu dịch bệnh phức tạp hơn.

Có thể thấy, sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, mức lãi suất huy động ở một số ngân hàng đã có sự điều chỉnh, nhưng biến động không đáng kể. Hiện tại, Eximbank là ngân hàng có lãi suất tiết kiệm cao nhất ở mức 8,4%/năm, áp dụng cho các khoản tiền gửi tiết kiệm từ 500 tỷ đồng trở lên ở các kỳ hạn 13 và 24 tháng.

Tiếp theo là ABBank với mức lãi suất tiết kiệm cao nhất 8,3%/năm cho kỳ hạn 13 tháng. Trong khi đó, OCB đã bị đẩy xuống vị trí thứ ba khi duy trì mức lãi suất cao nhất 8,2%/năm, không đổi so với tháng 1/2021. Ngân hàng áp dụng lãi suất này cho khoản tiết kiệm từ 500 tỷ đồng trở lên tại kỳ hạn 13 tháng.

Mức lãi suất huy động cho kỳ hạn dài ở một số ngân hàng khác cũng có sự thay đổi, như VietBank với 7,8%/năm; ACB: 7,4%/năm; SCB: 7,3%/năm; Ngân hàng Việt Á: 7,2%/năm; Kienlongbank và Techcombank cùng 7,1%/năm…

Đáng lưu ý, lãi suất huy động đang có sự chênh lệch lớn giữa ngân hàng có quy mô nhỏ và nhà băng có quy mô lớn.

Chẳng hạn, 4 ngân hàng chiếm thị phần lớn hiện nay là BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank đang niêm yết lãi suất tiền gửi thấp hơn từ 1 - 2,8% so với các ngân hàng có quy mô nhỏ.

Cụ thể, BIDV, Vietinbank, Agribank cùng có lãi suất cao nhất là 5,6%/năm, còn Vietcombank có mức lãi suất cao nhất là 5,5%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng.

Tác giả: Ngọc Vy

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP