Trong tỉnh

Doanh nghiệp bán lẻ Nghệ An không muốn kéo dài “3 tại chỗ”

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, hệ thống bán lẻ như siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi cố gắng thực hiện các quy định, thủ tục liên quan để duy trì hoạt động cung cấp hàng hóa thiết yếu trên cơ sở đảm bảo thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Phát lộ nhiều bất cập

Sau 15 ngày thực hiện “ai ở đâu ở yên đó”, từ 0h ngày 6/9, TP. Vinh (Nghệ An) tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Theo đó, UBND TP. Vinh đã quyết định bên cạnh duy trì các biện pháp chống dịch, sẽ điều chỉnh cho phép “các trung tâm thương mại, siêu thị tổng hợp, siêu thị điện máy, siêu thị mini trên địa bàn TP. Vinh được phép hoạt động bán cho khách lẻ, nhưng theo khung giờ quy định.

UBND TP. Vinh yêu cầu các siêu thị, cửa hàng tiện lợi phải thực hiện “3 tại chỗ” trong thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ

Bên cạnh đó, các chủ doanh nghiệp phải có bản cam kết với UBND phường, xã nơi đóng trụ sở về thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch theo quy định. Theo đó yêu cầu bố trí không quá 50% tổng cán bộ, nhân viên hành chính và người lao động của đơn vị thực hiện “3 tại chỗ” và tổ chức xét nghiệm test nhanh/PCR định kỳ 3 ngày/1 lần. Chỉ cho phép 1 lãnh đạo, 1 kế toán,1 lái xe được phép đi lại. Còn tại các cơ sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu; yêu cầu thực hiện “3 tại chỗ” và tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ 7 ngày/1 lần ngẫu nhiên cho 20% người lao động; phải có bản cam kết với UBND phường, xã nơi đặt cửa hàng về thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch theo quy định.

Về các quy đinh mới này, các doanh nghiệp bán lẻ cho rằng, nếu tiếp tục phương án “3 tại chỗ” kéo dài sẽ rất áp lực. Trao đổi về việc 50% nhân viên siêu thị phải thực hiện “3 tại chỗ”, Giám đốc siêu thị MM Mega Market Vinh - ông Nguyễn Công Việt - cho hay: Do đặc thù các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi không có diện tích để phục vụ nhân viên ăn, ở, ngủ, nghỉ. Mô hình “3 tại chỗ” đã được siêu thị áp dụng hơn nửa tháng rồi. Nhưng nếu vẫn tiếp tục bắt buộc thực hiện thì sẽ khó duy trì chuỗi cung ứng bởi ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, tâm lý người lao động. Điều kiện cơ sở vật chất của nhiều đơn vị hiện nay không đảm bảo để thực hiện mô hình này trong thời gian dài.

Trong khi đó, bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, thành phố đang áp dụng các biện pháp thắt chặt để chống dịch, nhu cầu cung ứng hàng hóa cho người dân là vấn đề quan trọng, số lượng các đơn hàng lớn, nhân viên các đơn vị cung ứng, phân phối phải đảm bảo có sức khỏe tốt nhất để đạt hiệu suất công việc lớn nhất. “Nhân viên siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhân viên phân phối là lực lượng chống dịch, tham gia hoạt động phục vụ nhu cầu cuộc sống của nhân dân nên nếu phải thực hiện “3 tại chỗ”, không được về nhà nghỉ ngơi để đảm bảo sức khỏe làm việc, thì siêu thị sẽ khó duy trì hoạt động trong thời gian tới…”, ông Việt khẳng định.

Theo nhân viên siêu thị BigC Vinh: "Hơn 2 tuần nay, nhân viên siêu thị đều thực hiện ‘3 tại chỗ’. Đến hôm nay mới được thay ca để về nhà, nhưng cũng thấy rất bất cập. Hiện, thành phố cho khách lẻ vào mua thì bắt siêu thị “3 tại chỗ” để làm gì? bọn em thấy phương án ‘3 tại chỗ’ phù hợp hơn với đơn vị sản xuất hơn là ở các đơn vị bán lẻ. Ngay trong chiều nay do quy định của thành phố có khung giờ đi chợ nên dân đi như trẩy hội, vì an toàn siêu thị phải tạm đóng cửa lúc 17h để hạn chế người dân vào…”.

Áp lực về chi phí tăng

Đại diện nhiều siêu thị chia sẻ, do số lượng nhân viên siêu thị lớn, lên đến hàng trăm người, trong khi việc thực hiện xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 được tiến hành thường xuyên 3 ngày/lần khiến cho chi phí vận hành tăng lên đáng kể. Do đó, nhiều siêu thị mong muốn có những phương án cân đối thời gian xét nghiệm, hỗ trợ phù hợp để đảm bảo hoạt động cung ứng hàng hóa thiết yếu trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, số lượng nhân sự liên tục bị ảnh hưởng.

Theo ông Trần An Khang, Giám đốc BigC Vinh, tình hình vận chuyển hàng hóa, di chuyển của nhân viên đang rất vất vả. Thành phố áp dụng quy định cần xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 cho nhân viên siêu thị định kỳ 3 ngày/lần khiến cho chi phí vận hành tăng cao vì số lượng nhân viên siêu thị khá lớn. Cả hệ thống ở đây có đến 200 người, giờ bố trí ăn ở thì rất khó, rồi chi phí xét nghiệm cho hơn 100 người theo quy đinh, khiến siêu thị chịu áp lực khá lớn.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Công Việt chia sẻ thêm, không thể áp dụng “3 tại chỗ” lâu dài vì từ chi phí điện, nước, xét nghiệm Covid-19... gây áp lực lớn lên doanh thu, trong khi mùa dịch này siêu thị doanh số chỉ đạt 30-40% so với bình thường. Nếu để vận hành siêu thị phục vụ hàng hoá cho người dân như hiện nay khó khăn nhất vẫn là “3 tại chỗ” không thể lo được khu ăn ở cho nhân viên.

"Đối với vận chuyển hàng hóa cho khách hàng, các đơn vị, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp thì yêu cầu người vận chuyển hàng hóa có xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 3 ngày/lần. Điều này khiến cho chi phí vận chuyển, vận hành của siêu thị tăng cao. Ngoài ra, siêu thị mong muốn sớm triển khai tiêm vắc xin đầy đủ cho nhân viên siêu thị để nhân viên ổn định tâm lý, an tâm làm việc trong đại dịch", ông Nguyễn Công Việt cho biết.

Tác giả: Hoàng Trinh

Nguồn tin: Báo Công thương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP