Xã hội

Đổ nợ vì chạy theo nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn, đã và đang góp phần thay đổi diện mạo nông thôn ở nhiều nơi. Tuy nhiên, vì chạy theo thành tích mà hiệu quả xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương không cao, nợ nần chồng chất

Nhờ phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn và đời sống người dân ở các huyện, xã miền núi của tỉnh Nghệ An đang dần được thay đổi. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực thì vẫn còn không ít nỗi lo khi một số xã cố chạy theo chỉ tiêu để cán đích NTM.

Vung tay quá trán

Chúng tôi về xã Hưng Tiến, một xã đạt chuẩn NTM đầu tiên của huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Đường vào xã được tráng bê tông thẳng tắp; trường học, trạm y tế, trụ sở UBND khang trang.

Nhà Văn hóa xã Hưng Tiến, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An - công trình nông thôn mới ít người lui tới Ảnh: ĐỨC NGỌC
Nhà Văn hóa xã Hưng Tiến, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An - công trình nông thôn mới ít người lui tới Ảnh: ĐỨC NGỌC

Hoành tráng, quy mô nhất là công trình nhà văn hóa đa chức năng rộng hàng ngàn mét vuông được xây dựng ngay trước trụ sở UBND xã với trên 6 tỉ đồng. Khi chúng tôi có mặt tại đây, cổng vào nhà văn hóa đóng chặt. Chị Nguyễn Thị Hoa (ngụ xã Hưng Tiến) khẳng định: “Xây to thế chứ có mấy ai đến mô, quanh năm hầu như đóng kín cổng”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cán đích NTM vào năm 2014 nhưng đến nay, xã Hưng Tiến đang phải gồng mình trả các khoản nợ cho các công trình. Ông Trần Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã Hưng Tiến, thừa nhận: “Để đạt chuẩn NTM, xã đã xây dựng một số công trình, tuyến đường và hiện nợ các nhà thầu khoảng 14 tỉ đồng”.

Có mặt tại xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, chúng tôi thực sự choáng ngợp trước sự “chịu chơi” của lãnh đạo xã này. Cổng trụ sở UBND xây to, tường rào kiên cố như một biệt phủ, bên trong là các tòa nhà làm việc cao tầng. Để xây dựng hạng mục cổng, hàng rào, UBND xã đã chi 5 tỉ đồng; còn kinh phí xây trụ sở, nhà văn hóa ngốn 12 tỉ đồng. Đầu tư xây dựng trụ sở hoành tráng nên sau khi cán đích NTM vào tháng 11-2014, xã Nghĩa Đồng phải gánh khoản nợ gần 20 tỉ đồng. “Số nợ này chưa biết bao giờ mới trả hết vì chúng tôi chưa xoay ra nguồn” - ông Võ Duy Hiển, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đồng, xác nhận.

Tại Nghệ An, chuyện đua nhau vay mượn tiền xây dựng các công trình để cán đích NTM diễn ra khá phổ biến. Cá biệt, nhiều xã có biểu hiện vung tay quá trán, đầu tư lãng phí trong lúc ngân sách địa phương eo hẹp, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Hệ quả là sau khi đạt chuẩn NTM, nhiều xã đã đổ nợ. Điển hình, xã Sơn Thành (huyện Yên Thành) nợ trên 23 tỉ đồng, xã Nghĩa Long (huyện Nghĩa Đàn) 17 tỉ đồng, xã Thanh Văn (huyện Thanh Chương) 15 tỉ đồng...

Tính đến cuối tháng 3-2016, sau 5 năm thục hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, toàn tỉnh Nghệ An có 110 xã đạt chuẩn. Tuy nhiên, số nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc chương trình NTM là 887 tỉ đồng. Trong đó, nợ đọng của các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM là 576, tỉ đồng.

Cán đích sớm, trả giá đắt

Là 1 trong 7 xã trọng điểm về xây dựng NTM của tỉnh Quảng Bình, để được cán đích sớm vào đầu năm 2015, xã Đại Trạch (huyện Bố Trạch) đầu tư số vốn lên đến 118 tỉ đồng. Phải nói là sau khi đủ chuẩn là xã NTM, bộ mặt nông thôn Đại Trạch khác trước rất nhiều. Những con đường bùn đất lầy lội trước đây nay đã được bê tông hóa. Trường học, trạm y tế, trụ sở UBND được đầu tư xây dựng mới, khang trang...

Thế nhưng, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND xã Đại Trạch, cho hay xã phải ôm số nợ đọng gần 10 tỉ đồng sau thành tích cán đích 19 tiêu chí NTM. “Theo tính toán của chúng tôi, phải mất 3 năm mới trả nợ xong bằng việc đấu giá đất. Nhưng tiền nợ quá lớn, trong khi xã được hưởng từ ngân sách rất ít, còn đất đai cũng cạn dần” - ông Phương than thở.

Là một xã nghèo của huyện Quảng Trạch nhưng Quảng Xuân cũng mạnh tay đầu tư nhiều công trình xây dựng để đạt chuẩn NTM và hiện nợ 23 tỉ đồng. Ông Phạm Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Quảng Xuân, cho biết đến năm 2018, xã phải khắc phục xong nợ đọng nhưng không biết xoay đâu ra. “Sắp tới chắc phải huy động toàn bộ sức dân đóng góp để trả nợ dần” - ông nói.

Cũng vì sức ép đẩy nhanh tiến độ về đích NTM, nhiều địa phương ở huyện Bố Trạch đã chạy đua theo thành tích “đủ tiêu chí” để rồi mang số nợ đến mức báo động. Theo báo cáo của UBND huyện Bố Trạch, 7 xã được công nhận đạt chuẩn NTM của huyện đang nợ đọng xây dựng NTM 33 tỉ đồng.

Trong số 30 xã đạt chuẩn NTM của tỉnh Quảng Bình, duy nhất xã Lương Ninh (huyện Quảng Ninh) không nợ đồng nào và 9 xã nợ dưới 1 tỉ đồng. Hầu hết các xã còn lại nợ trung bình 10 tỉ đồng. Trong đó, một số xã như Quảng Phú, Quảng Thanh, Cảnh Dương, Quảng Xuân (huyện Quảng Trạch), Quảng Tiên (thị xã Ba Đồn) nợ trên 20 tỉ đồng/xã.

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Quảng Bình, sau gần 5 năm xây dựng NTM, đến cuối tháng 1-2016, dù có 30 xã đạt chuẩn nhưng số nợ cũng lên tới 217 tỉ đồng. Trong khi đó, 106 xã chưa đạt chuẩn NTM cũng đang “đau đầu” với khoản nợ trên 253 tỉ đồng.

Không ép cán đích sớm

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều xã ở 2 tỉnh Nghệ An và Quảng Bình cán đích NTM nhưng phải gánh số nợ đọng lớn là do mạnh tay đầu tư theo chủ trương của cấp huyện là phải bảo đảm đúng tiến độ và lộ trình đã đề ra. Trong khi đó, lãnh đạo các tỉnh này cho biết không hề thúc ép các địa phương.

Ông Vi Lưu Bình - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Chánh Văn phòng Ban Điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Nghệ An - khẳng định: “Tỉnh không có chủ trương ép các xã phải cán đích NTM. Việc một số xã rơi vào nợ nần sau khi đạt chuẩn NTM là do họ tự ý đi vay để xây dựng công trình, trong đó có các công trình hoành tráng”.

Kỳ tới: Gánh nặng quê nghèo

Tác giả bài viết: Đức ngọc - Hoàng phúc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP