LTS: Ngôi nhà đặc biệt ấy do chủ nhân tự tay xây, đặt từng viên gạch trong suốt 17 năm trời. Phần lớn vật liệu dùng để dựng lên công trình này đều là đồ phế liệu, bỏ đi. Ngôi nhà ấy là tâm huyết cả một của một đời người, gắn với những thăng trầm dâu bể, với ký ức về chuyện tình bi thương với người vợ bất hạnh.
Tai ương liên tiếp
Từ một người đàn ông nghèo hai bàn tay trắng vào Nam lập nghiệp, ông Phạm Kỳ Anh chỉ mong ước cuộc sống gia đình đỡ vất vả, hơn hết là nuôi dạy các con ăn học thành người. Nhưng rồi bằng những nỗ lực và cố gắng của bản thân, ông đã mua được đất, cất được nhà.
Điều đáng nói ở đấy đó là ngôi nhà một trệt, hai lầu rưỡi do ông tự tay xây dần từng viên gạch trong suốt 17 năm trời. Từ những vật liệu xây dựng bỏ đi, ve chai ngoài đường, đến ván thôi của người chết nhưng qua bàn tay, óc sáng tạo của người đàn ông này, đã biến một ngôi nhà có kiến trúc, nội thất độc đáo lạ lẫm nhất Sài thành. Đến nỗi nhiều người mê mẩn, có đại gia sãn sàng đổi cả biệt thự ở trung tâm để được làm chủ ngôi nhà ấy.
Hơn 10 năm trước bà Son, người vợ hiền của ông qua đời sau một cơn đau nhẹ. Sự ra đi đột ngột của bà bà khiến cho ông hụt hẫng và đau đớn. Ngày ông vào Nam lập nghiệp, bà Son ở lại quê nhà chăm sóc cho 4 người con và phụng dưỡng cho cha mẹ chồng già yếu. Ông Anh bảo, vợ ông làm giáo viên tiểu học, nghề mà bà Son yêu và cống hiến bằng cả tâm huyết. Nhưng rồi thương chồng nơi phương xa, bà đành hy sinh đi những lẽ riêng của mình.
Nhà ông Anh như giữa rừng cây sinh thái |
Bà bỏ quê, bỏ trường và những đám học trò để dắt con vào Sài Gòn theo chồng. Những vất vả, lam lũ mà bà Son phải chịu đựng, những yêu thương của người vợ ấy, ông Anh điều cảm nhận được. Có lẽ chẳng có từ ngữ nào có thể diễn tả được tình cả đôi vợ chồng ấy dành cho nhau.
Ông bảo, lúc yêu trong veo, ngày cưới cũng chỉ có gói kẹo gói bánh, nhưng muối mặn gừng cay từ đó đến giờ. Cho tới khi bà Son mất, vợ chồng ông vẫn còn đó những lo toan, vất vả, nhưng từng ấy quãng thời gian sống bên nhau, hai vợ chồng không bao giờ phải to tiếng, nặng lời với nhau. Tiếc rằng, hạnh phúc ấy lại quá đỗi ngắn ngủi. Nói về vợ, ông dùng hai từ ơn nghĩa. Điều đó có thể lý giải tại sao sau khi bà Son chết, ông Anh đã suy sụp tưởng chừng như không thể ngượng dậy được.
Nhưng mọi chuyện vẫn chưa dừng lại, sau 100 ngày tang của vợ, ông Son lại đón nhận thêm một tin dữ. Đêm ấy, ông Anh đang trằn trọc, thì nhận được điện thoại của con gái gọi về. Giọng run rẩy, hoảng loạn cô gái ông Anh cho biết chồng mình bị tai nạn giao thông và đang được cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy. Anh Thuận (tên con rể ông Anh – PV) bị chấn thương sọ não, các bác sĩ cấp cứu tiên lượng anh sẽ khó qua khỏi.
Nhưng số người đàn ông này chưa tận, thần may mắn đã mỉm cười với gia đình ông Anh. “Sau nhiều ngày hôn mê sâu, Thuận đã tỉnh lại. Trước đó, các bác sĩ bảo nó rất khó qua khỏi. Nhưng gia đình chúng tôi không bỏ cuộc, không ngừng hy vọng và tin tưởng vào một phép mầu đã đến”, ông Anh cho biết chính điều ấy đã khiến cho Thuận hồi sinh. Việc con rể thoát khỏi đại hạn, khiến cho ông Anh đã có cái nhìn và một quan niệm khác về sự sống và cái chết. Do vậy, ông đã sống lạc quan hơn, và vượt qua được những đau thương mất mát về sự ra đi của người vợ hiền.
Ngôi nhà nặng mùi "âm khí"
Nhưng sau những tai ương liên tiếp xảy ra, trong dư luận địa phương đã xuất hiện rất nhiều những lời đồn thổi bủa vây gia đình ông. Theo đó, mọi người cho rằng căn nguyên của những điều xấu trên đều là do việc xây nhà của ông Kỳ Anh không hợp phong thủy.
Trong quan niện của người Việt xây nhà là một trong những chuyện trọng đaị nhất trong đời của một người đàn ông. Và khi xây hoặc sửa nhà thì phải tuân theo quy luật, hài hòa âm dương ngũ hành, nếu đi ngược lại những điều này thì gia chủ ắt gặp tai họa.
Tuổi già hạnh phúc bên con cháu |
Theo lời kể của ông Kỳ Anh, thì căn nguyên cũng bắt đầu từ những lời phán của một thầy số sống gần đấy. Dự vào cuốn sách chữ nho xem ngày xấu tốt, người này cho rằng, ông Anh sinh Qúy Tỵ (năm 1953), thuộc mệnh Tràng lưu thủy (tức là nước giữa dòng sông - PV). Cuối năm Đinh Sửu (năm 1997), ông Anh bắt đầu đặt móng xây nhà là phạm vào tam tai - hoang ốc, không nên sửa chữa, xây cất nhà mới. Nhưng ông Anh đã không tuân theo những điều cấm kỵ này.
Năm 2007, bà Son mất và con rể ông bị tai nạn, thầy số này cũng cho rằng đại hạn mà gia đình ông gặp phải đều có liên quan đến ngôi nhà trên. Bởi trong đầu năm đó, ông Anh cũng đổ nền cho lầu 2. Lúc đó, ông Anh 55 tuổi cũng phạm vào tam tai, kim lâu (tuổi kỵ làm nhà – PV). Cho nên làm nhà năm đó sẽ không tốt, gặp nhiều tai ương bất trắc.
Ngoài những cấm kỵ mà ông Anh phạm phải, còn có nhiều lời giải thích. Những vật liệu được ông tận dụng xây nhà trong đó có cả giường người ốm bệnh, thôi ván của người chết. Người ta đồn thổi rằng ngôi nhà của ông Anh nặng mùi âm khí, do vậy mà bà Son đã nhiễm phải khí độc và ra đi đột ngột. Thậm chí, người ta còn tin rằng, mọi chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó. Nhưng theo thời gian, nỗi oan cho ngôi nhà của ông Anh cũng được hóa giải, khi con cái của ông đều thành đạt, gia đình sống vui vẻ hạnh phúc.
“Lúc thấy ngôi nhà của tôi như vườn sinh thái, mọi người lại nghĩ khác. Trước người ta đồn thổi ngồi nhà này nặng ám khí, lắm tai ương, nhưng giờ có chim muông, ong bướm thì lại bảo: “Đất có lành thì chim mới đậu”. Tôi thì không mê tín, nhưng ít nhiều những lời đồn thổi, thêu dệt của dư luận cũng đã ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình”, ông Anh cho biết.
Theo lời kể của ông Kỳ Anh, lúc xây nhà ông cũng không chú ý đến chuyện tuổi tác xấu tốt với việc động thổ. “Điều khiến cho tôi bận tâm hơn cả, đó là thương vợ con phải sống tạm bợm, khổ sở. Nên tôi khát khao đến một ngôi nhà che mưa che nắng cho cả gia đình”, ông nói tiếp.
Cho tới ngày bà Son mất, ông cũng chỉ mới xây được những phòng ngủ cho những đứa con. Còn ông với bà Son vẫn chưa có lấy một chỗ riêng tư. Hai người vẫn phải qua đêm ở gác lửng, nơi ông đặt ngang mấy tấm ván gỗ làm giường. Chính điều ấy, đã thôi thúc ông xây lên gác nữa. Ông sẽ làm phòng thật đẹp, có cửa sổ hướng ra ban công có giàn hoa giấy để tặng cho vợ. Nhưng dự định ấy đã dang dở, bà Son không đợi được đến cái ngày ấy.
Trải qua những chuyện này, ông Anh cho rằng: “Mỗi con người sinh ra đều có một số mệnh, và cuộc sống thì luôn vận động. Như chuyện với vợ tôi và cậu con rể cũng vậy, quan trọng nhất là mình phải học đối diện và đón nhận những điều ấy như thế nào”.
Thấy ông xây nhà nhiều người bảo ông gàn dở, nhưng ngược lại ông lại luôn nhận được sự ủng hộ của bà Son. Giờ đây, khi ngôi nhà đã hoàn thiện, thì người vợ hiền ấy đã không còn trên cõi đời. Nhưng trong ngôi nhà sinh thái ấy vẫn có một phòng đặc biệt, ông dành tặng riêng cho vợ, nơi lưu giữ những kỷ vật về một thời yêu thương nhung nhớ.
Trên bàn thờ vợ, ngoài di ảnh, ông còn trân trọng đặt khung kính một bức thư của bà viết cho ông trong những năm ông xa vợ con vào Sài Gòn khởi nghiệp: “Hôm nay là chiều mùng Năm. Ở ngoài này, trời nóng bức, ve sầu ngân nga cả buổi trưa. Bé Sa và bé Sương đã về ngoại từ chiều hôm qua. Kha đi chơi. Trong nhà chỉ còn lại mình em. Buổi chiều xuống thật chậm. Vắng vẻ và buồn lắm anh ạ. Em ngồi một mình ở nhà và nhớ lại những ngày xưa - những ngày gia đình đoàn tụ…”.
(Tên con rể ông Anh đã được thay đổi)
Kỳ cuối: Nơi cưu mang bao thế hệ và triết lý dạy con đặc biệt của “dị nhân” xây nhà.
Tác giả: Nguyễn Khoát
Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội