Giáo dục

Đề thi minh họa môn Vật lí: Cần tăng số lượng câu hỏi về ứng dụng

“Trong đề cần tăng số lượng các câu hỏi về ứng dụng của kiến thức vật lí vào đời sống, thêm câu hỏi về bản chất vật lí” – Đó là ý kiến của thầy Nguyễn Huy Hoàng –THPT Dương Quảng Hàm, Hưng Yên.

Nhận định về đề thi minh họa môn Vật lí, theo Thầy Nguyễn Huy Hoàng cho rằng, mức độ đề tương đối phù hợp với thời gian làm bài của thí sinh. Tuy nhiên nếu học sinh chỉ nắm chắc chuẩn kiến thức, kỹ năng tối thiểu của chương trình môn học thì chỉ làm được 40% - 50% số câu hỏi của đề minh hoạ. Trong đề cần tăng số lượng các câu hỏi về ứng dụng của kiến thức vật lí vào đời sống, thêm câu hỏi về bản chất vật lí. Đề minh hoạ nên ra một đề không có các câu hỏi đã thi. Với một đề có các câu hỏi mới sẽ dễ dàng trong việc nhìn nhận khách quan hơn về mức độ kiến thức và phân bố thời gian để làm đề.

Còn cô giáoTường Bích Ngọc – THPT Nguyễn Siêu – Hưng Yên thì cho biết, đề minh họa năm nay có nội dung đa số là kiến thức cơ bản ở mức độ nhận biết và thông hiểu (70%), học sinh chỉ cần học SGK có thể đạt 7 điểm. Với thời gian 50 phút thì đề cho ở múc độ tương đối hợp lí, phù hợp với đa số HS.

Đề thi có mức độ phân hóa ở phần vận dụng cao chưa được thể hiện nhiều, chưa có những câu hỏi liên quan đến thực hành, các câu hỏi theo định hướng phát triển năng lực và liên môn chưa thể hiện rõ. Nhưng tóm lại nhìn đề thi này học sinh và giáo viên thấy khá yên tâm!

Cô Nguyễn Thị Tính – THPT Khoái Châu cho rằng cấu trúc đề minh họa tương tự đề thi những năm trước. Đề thi có đầy đủ các mức độ của câu hỏi định hướng phát triển năng lực: câu hỏi tái hiện, câu hỏi vận dụng, câu hỏi giải quyết vấn đề, câu hỏi gắn với bối cảnh, tình huống thực tiễn. Đề thi ở mức độ khó do có tới 40 câu chỉ trong 50 phút.

Theo cô Tính đề thi đánh giá được các năng lực của học sinh như năng lực giải quyết vấn đề; Năng lực tính toán; Năng lực thực nghiệm (xử lí số liệu); Năng lực ngôn ngữ (đọc, hiểu ngôn ngữ khoa học, ngôn ngữ vật lí, đồ thị); Năng lực sáng tạo: giải được một số bài tập sáng tạo.

Đồng thời cũng đánh giá được những năng lực chuyên biệt như: Sử dụng các kiến thức vật lí để giải bài tập, vận dụng vào giải các bài tập tình huống, gắn với thực tiễn. Năng lực về phương pháp: Lựa chọn các công cụ toán học một cách hợp lí, chính xác và năng lực tự chủ và phát triển bản thân: năng lực làm việc độc lập.

Tác giả bài viết: Nhật Hồng (ghi)

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP