Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu ý kiến tại cuộc họp |
Đây là một trong những yêu cầu tại buổi làm việc mới đây với ban soạn thảo, tổ biên tập Đề án Phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo 3 và 4 tuổi và nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi
Thực hiện kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, trong đó có yêu cầu phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, tiến tới phổ cập GDMN cho trẻ dưới 5 tuổi; Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 11/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện kết luận số 51-KL/TW, tăng cường thực hiện các giải pháp đánh giá, giám sát, hỗ trợ tăng tỷ lệ huy động trẻ em nhà trẻ, mẫu giáo đến trường, củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, tiến tới phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo dưới 5 tuổi;
Đề án PCGD mẫu giáo (3-4 tuổi) và duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi đang được Bộ GD&ĐT gấp rút triển khai xây dựng. Theo đó, quan điểm được đưa ra là nhà nước có trách nhiệm quản lý, đầu tư phát triển GDMN; ban hành cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi tổ chức, cá nhân tham gia phát triển GDMN, tăng cường nguồn lực từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung các hạng mục công trình theo hướng đạt chuẩn về cơ sở vật chất đối với GDMN; phát triển đội ngũ và đào tạo giáo viên mầm non; ưu tiên đầu tư cho các cơ sở GDMN công lập ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, xã thuộc vùng khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu tập trung đông dân cư.
Phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo (3-4 tuổi) và duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong GDMN nhằm nâng cao tỷ lệ trẻ em mầm non được tiếp cận giáo dục; duy trì, nâng cao kết quả đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi; chuẩn bị tốt cho trẻ em vào lớp 1 đối với tất cả các vùng miền trong cả nước. Việc chăm lo để mọi trẻ em mẫu giáo được đến trường, lớp mầm non là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của mỗi gia đình và toàn xã hội. Đẩy mạnh xã hội hóa với trách nhiệm hơn của Nhà nước, của xã hội và gia đình để phát triển GDMN.
Các thành viên ban soạn thảo nêu ý kiến về Đề án PCGD mẫu giáo (3-4 tuổi) và duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi |
Mục tiêu, nội dung, phương pháp GDMN đổi mới theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của trẻ em, bảo đảm liên thông, gắn kết với giáo dục phổ thông; góp phần tích cực cho việc nâng cao chất lượng giáo dục. Bảo đảm hầu hết trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi ở mọi vùng miền được đến lớp để thực hiện chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày, đủ một năm học, nhằm chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, tiếng Việt và tâm lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng để trẻ em vào lớp 1, nâng cao tỷ lệ trẻ em mầm non được tiếp cận giáo dục.
Đặt yêu cao về tính thực tiễn của Đề án, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đưa ra những câu hỏi để tổ biên tập bản thảo đưa vào trong nội dung, PCGD 3 và 4 tuổi khi nghiên cứu bàn xem có nên tách ra cho từng đối tượng không. Cần phải căn cứ pháp lý vững chắc khi xây dựng Đề án, đề cương phải chi tiết có vấn đề gì cần nói rõ, nói sâu,từ đề xuất nguồn lực, các điều kiện nhân lực tài chính đến công tác xã hội hóa thế nào phải được cấu trúc rõ ràng, đề cương cần chi tiết và phù hợp với thức tiễn.
Thứ trưởng cũng yêu cầu nội dung chương trình học tập cần được quan tâm đặc biệt, đảm bảo đa dạng, tương thích với các nhóm đối tượng, nhóm yếu thế tiếp cận thế nào, dạy tiếng Việt trên nền tảng tiếng mẹ đẻ, cần chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Các tiếp cận phải thể hiện sâu, phân tích thực trạng phải liên kết với kiến nghị đề xuất, giải pháp đưa ra phải trúng và đúng. Phân tích thực trạng thì chính sách với nhà giáo phải được phân tích sâu, đầu tư chính sách cho người dạy người học, yếu tố vùng miền, nhóm đối tượng yếu thế, đối tượng đặc thù thế nào phải hết sức rõ ràng.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh đến bài toán biên chế, đối tác công tư là những vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong Đề án này. Đối tác công tư sẽ góp phần giảm biên chế GV, nhà nước lo đến đâu, cơ sở GDMN ngoài công lập chia sẻ thế nào, PCGDMN cho trẻ 3 – 4 tuổi có nhất thiết kéo vào công lập như 5 tuổi không mà giải toán phổ cập không phải đưa hết vào công lập. Cần tiếp tục tư duy để tiến tới phổ cập 3 - 4 tuổi phải đi theo hướng mới, lộ trình, nguồn lực phải rõ. Trong điều kiện nguồn lực nhà nước còn hạn chế, có sự phối hợp của trường tư nhà nước hỗ trợ thế nào để thể hiện trách nhiệm của nhà nước.
Cơ chế tài chính hết sức quan trọng, chính sách đối với nhà giáo thế nào, cơ sở vật chất ra sao, phải làm rõ sự hỗ trợ của nhà nước. Cách tiếp cận của Đề án PCGDMN cho trẻ 3 - 4 tuổi phải có hướng đi riêng phù hợp thực tiễn và điều kiện kinh tế xã hội Việt Nam. Xây dựng Đề án quan trọng phải đảm bảo quyền học tập phát triển toàn diện cho trẻ. Phổ cập không phải là vào hết trường công để nhà nước phải lo, mà cần tiếp cận tư duy mới đảm bảo công bằng nhưng huy động xã hội, nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhà nước tạo mặt bằng quỹ đất sạch cũng cần được được tính như sự hỗ trợ cho các cơ sở GDMN ngoài công lập, phải có trách nhiệm chia sẻ với ngời học, giảm học phí cho học sinh. -Thứ trưởng Ngô Thị Minh |
Tác giả: Hà An
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn