Nhà chung cư D2 |
Chung cư D2 được xây dựng từ năm 1976. Sau khi xây xong, chung cư được bàn giao cho Tổng cục Đường sắt Việt Nam làm quỹ phúc lợi nhà ở cho cán bộ, công nhân viên của ngành công tác trên địa bàn Nghệ Tĩnh thời đó.
Ông Bùi Xuân Lam, nguyên Phó giám đốc Công ty Vận tải đường sắt 3, cho biết sau khi tiếp nhận, Tổng cục Đường sắt Việt Nam đã giao cho Công ty Vận tải đường sắt 3 quản lý. Sau đó, toàn bộ 60 căn hộ được phân cho cán bộ công nhân viên thuộc các xí nghiệp thành viên.
Theo ông Lam, trong các năm 1984 và 1985, Công ty Vận tải đường sắt 3 đã ký các giấy phân nhà cho cán bộ công nhân viên có nhiều năm đóng góp cho ngành đường sắt. Năm 1987, ngành đường sắt cơ cấu lại, Công ty Vận tải đường sắt 3 giải thể, nhưng không có quyết định nào khác thay đổi việc phân nhà D2.
Ông Nguyễn Phúc Châu, Tổ trưởng nhà D2, nguyên cán bộ ngành đường sắt, cho rằng hơn 30 năm qua, chung cư này bị bỏ rơi, không đơn vị nào đứng ra quản lý. Mỗi khi nhà xuống cấp, các hộ dân phải tự góp tiền sửa chữa.
Hàng năm, người dân phải tự lên UBND phường nộp tiền thuế sử dụng đất. Khi Nghị định 61/CP về việc bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho những người đang thuê ra đời, không thấy ai thông báo nên 60 hộ dân ở đây vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng).
Cũng theo ông Châu, người dân đã nhiều lần lên UBND thành phố Vinh xin làm thủ tục cấp sổ hồng, nhưng được trả lời là do chung cư đang thuộc quyền quản lý của ngành đường sắt nên UBND thành phố không thể cấp.
Ngày 8.5, sau khi nhận đơn của 60 hộ dân ở chung cư D2, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có công văn gửi UBND tỉnh Nghệ An, đề nghị UBND tỉnh Nghệ An, UBND thành phố Vinh có phương án giải quyết, tiếp nhận nhà chung cư D2 về địa phương quản lý, tạo điều kiện cho các hộ dân trong việc giải quyết các thủ tục hồ sơ pháp lý về nhà, đất....
Lo mất quyền lợi khi bị giải tỏa
Sau khi tỉnh Nghệ An có chủ trương cải tạo chung cư D2, nhiều doanh nghiệp “dòm ngó” vì khu đất này nằm ở vị trí có lợi thế thương mại lớn. Ngày 9.5, Công ty CP đầu tư phát triển dịch vụ Bình Minh (gọi tắt Công ty Bình Minh) có công văn gửi UBND tỉnh Nghệ An nhận đầu tư dự án cải tạo chung cư này.
Ngày 19.5, UBND tỉnh có công văn giao UBND thành phố Vinh chủ trì làm việc với ngành đường sắt và Công ty Bình Minh để thống nhất việc bàn giao, tiếp nhận và cải tạo chung cư D2. Ngày 2.6, UBND thành phố Vinh đã tổ chức cuộc họp với các đơn vị liên quan, sau đó ra công văn số 3362 gửi UBND tỉnh, cho rằng do ngành đường sắt chưa cung cấp được các hồ sơ pháp lý liên quan đến việc điều chuyển chung cư D2, nên đề nghị UBND tỉnh có văn bản đồng ý tiếp nhận nhà chung cư này.
Các hộ dân ở khu chung cư D2 lo lắng cho rằng công văn của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẳng định việc chuyển giao chung cư D2 về tỉnh quản lý là nhằm tạo điều kiện giải quyết hồ sơ pháp lý cho các hộ dân về nhà đất, chứ không phải điều chuyển tài sản nhà nước cho doanh nghiệp tư nhân.
Theo Nghị định 101/2015/NĐ-CP ngày 20.10.2015 của Chính phủ, người dân có quyền lựa chọn nhà đầu tư khi cải tạo chung cư cũ, nhưng trong trường hợp chung cư D2, người dân có nguy cơ bị mất quyền trên.
Trả lời phóng viên Thanh Niên, ông Hà Thanh Tĩnh, Phó chủ tịch UBND thành phố Vinh, cho biết công văn 3362 của UBND thành phố Vinh có “sơ suất” khi đề nghị cho Công ty Bình Minh tiếp nhận chung cư D2. Theo ông Tĩnh, hiện chung cư D2 đang là tài sản của ngành đường sắt.
Sau khi nhà được bàn giao, tỉnh sẽ giao cho thành phố Vinh xử lý. “Quan điểm của thành phố là sẽ phải đảm bảo quyền lợi cho người dân trên cơ sở xác định nghĩa vụ tài chính lâu nay của người dân (nộp thuế) đối với nhà nước”, ông Tĩnh nói.
Tác giả: Khánh Hoan
Nguồn tin: Báo Thanh Niên