Giáo dục

Đại học Nha Trang nhập sai học phí, sinh viên hoang mang đóng thêm cả chục triệu đồng

Trường đại học Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) nhập sai mức thu học phí tín chỉ của hàng chục sinh viên sắp tốt nghiệp. Sau khi phát hiện sai sót, trường yêu cầu sinh viên đóng thêm số tiền còn thiếu, có sinh viên phải đóng bổ sung đến hơn 15 triệu đồng.

Trường đại học Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) nhập sai mức thu học phí tín chỉ của hàng chục sinh viên sắp tốt nghiệp - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Mặc dù đã đóng tất cả học phí, nhưng hơn 20 sinh viên sắp tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh ở Trường đại học Nha Trang bất ngờ khi hay tin mình vẫn còn nợ học phí và có nguy cơ không thể tốt nghiệp đúng hạn.

Sinh viên sắp tốt nghiệp bức xúc với khoản học phí "từ trên trời rơi xuống"

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, sinh viên V.T.H. (chuyên ngành quản trị kinh doanh) cho biết rất "bàng hoàng" vì đột ngột nhận được thông báo phải đóng thêm hơn 15 triệu đồng học phí của hai học kỳ trong năm học thứ tư.

"Tôi và các bạn đã cố gắng tìm gặp bộ phận tài chính của trường để giải quyết nhưng đều không được gặp đúng người. Trường chỉ thông báo cho cố vấn của chúng tôi hoặc đưa một thầy khác để tạo group Zalo để chúng tôi nhắn những thắc mắc vào đó mới xem xét để gặp. Trường nói rằng số tiền chênh lệch học phí mà sinh viên phải đóng thêm là do nhập sai dữ liệu và không kịp điều chỉnh" - sinh viên H. bức xúc.

H. cho biết số tiền hơn 15 triệu đồng nộp thêm của cô là quá lớn, phải "cầu cứu" gia đình, tuy nhiên gia đình cũng đang rất chật vật.

Sinh viên N.T.L. (chuyên ngành quản trị kinh doanh) cho biết đã hoàn thành xong chương trình đào tạo đặc biệt của Trường đại học Nha Trang, đồng thời cũng đóng đầy đủ học phí trước đó, tuy nhiên trên hệ thống vẫn thông báo còn nợ học phí với số tiền hơn 15 triệu đồng.

"Nếu như nói tôi còn nợ học phí thì tôi không đồng ý vì thực ra đó là khoản phí mà trường đột ngột tăng. Cuối tháng 6-2024, khi biết tin còn nợ hơn chục triều tiền học phí thì tôi vô cùng sốc, bởi vì đây là số tiền quá lớn" - sinh viên L. bức xúc.

Theo L., hiện bạn vẫn được dự lễ tốt nghiệp nhưng không biết có được nhận bằng tốt nghiệp hay không.

Tương tự, sinh viên N.N.H. bày tỏ: "Thật sự số tiền học phí mà nhà trường thông báo còn nợ là quá lớn, giờ tôi và gia đình không biết kiếm tiền ở đâu để đóng và không biết khi nào mới nhận được bằng tốt nghiệp".

930.000 đồng/tín chỉ nhập sai thành 390.000 đồng/tín chỉ

Trao đổi với phóng viên, TS Phạm Hồng Mạnh - trưởng phòng kế hoạch - tài chính Trường đại học Nha Trang - thừa nhận bộ phận nhập học phí lên hệ thống quản lý nội bộ của nhà trường đã có sai sót.

Theo ông Mạnh, Trường đại học Nha Trang không ban hành bất kỳ quyết định nào về việc thu thêm học phí đối với sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp.

Mức học phí của nhà trường đang thực hiện theo nghị định 97 (ban hành vào ngày 31-12-2023 của Chính phủ). Sau khi nghị định 97 ban hành thì trường ra quyết định số 2059 để điều chỉnh và thực hiện theo khung học phí của Chính phủ.

Việc sai sót là do phòng công nghệ thông tin của trường đã nhập nhầm học phí, trong đó đối với ngành quản trị kinh doanh (chương trình đào tạo đặc biệt), thay vì 930.000 đồng/tín chỉ lại nhầm thành 390.000 đồng/tín chỉ, hay ngành quản trị khách sạn (chương trình đào tạo đặc biệt) thay vì 830.000 đồng/tín chỉ thì lại nhầm thành 370.000 đồng/tín chỉ…

Tổng cộng có 66 sinh viên bị lệch học phí.

PGS.TS Tô Văn Phương - trưởng phòng đào tạo Trường đại học Nha Trang - cho biết sinh viên đã biết được mức học phí của mình, bởi trường đã công bố các mức học phí từ đầu năm. Khi thấy học phí thấp, sinh viên không có phản ánh gì với trường.

"Thực ra nhà trường đã phát hiện (sai sót - PV) từ sớm, nhưng thời gian đó sinh viên thi học kỳ nên để các em tập trung ôn thi đạt kết quả tốt, rồi sau đó mới thông báo. Trường cũng không yêu cầu các em phải hoàn thành ngay và cũng đã cho thời gian nhất định để các em hoàn thành việc nộp bổ sung học phí này" - ông Phương cho hay.

Ông Phương cũng cho rằng sai sót nêu trên lần đầu tiên xảy ra tại Trường đại học Nha Trang và đây là trách nhiệm chung của nhà trường và sinh viên.

"Về nguyên tắc theo đúng quy chế đào tạo thì sinh viên phải hoàn thành học phần, không được nợ bất cứ thứ gì của nhà trường, kể cả học phí thì mới được xem xét và cấp bằng tốt nghiệp" - ông Phương nói.

Tác giả: NGUYỄN HOÀNG

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP