Xã hội

Đại gia ô tô tranh giành biệt thự ven biển triệu đô với chị gái

Tại phiên tòa, những con người vốn mang chung dòng máu với nhau bỗng chốc trở lên xa lạ.

Có nhiều năm tham gia hỗ trợ pháp lý cho các vụ án tranh chấp, thừa kế tài sản, luật sư Trần Quốc Toản (SN 1972 - Văn phòng luật sư Trương Anh Tú) chia sẻ, anh từng chứng kiến rất nhiều cảnh tượng đau lòng, khi chị em ruột thịt bỗng chốc trở thành kẻ thù không đội trời chung.

Luật sư SN 1972 nói: “Tôi hi vọng, một ngày gia đình họ sẽ nhìn nhận, cùng ngồi lại giải quyết sự việc ổn thỏa. Dẫu sao “một giọt máu đào, hơn ao nước lã”. Đó cũng là đạo lý tốt đẹp của người Việt mình”. Ảnh: Nhật Linh

Vụ án dân sự ở thành phố biển Nha Trang cách đây nhiều năm khiến anh Toàn luôn cảm thấy day dứt. Chỉ vì tài sản mà con người ta sẵn sàng bất chấp đạo lý, chà đạp lên cả máu mủ tình thân.

Theo anh Toản, ông Nguyễn Văn Năm là con trai một gia đình giàu có thời kỳ trước, ông lấy vợ sinh được một con gái tên là Nguyễn Thị Huệ. Chẳng may vợ mất sớm, ông Năm tái giá với người phụ nữ khác.

Người vợ sau sinh cho ông Năm thêm 1 người con trai tên là Nguyễn Đức Hiếu. Hai vợ chồng ông quyết định mua mảnh đất 2000 mét vuông gần bờ biển, xây biệt thự cho các con có điều kiện sinh hoạt tốt hơn.

Trưởng thành, con trai ông Năm ra Hải Phòng học tập và định cư luôn. Mặc dù bố mẹ luôn mong ngóng nhưng người con trai không hề động lòng. Những cuộc gọi thăm hỏi bố mẹ cũng hiếm khi có.

Lúc này chỉ còn vợ chồng con gái sinh sống, phụng dưỡng bố mẹ. Năm 1998, vợ chồng ông Năm lần lượt qua đời không để lại di chúc.

10 năm sau ngày bố mất, con trai của ông Năm quay vào Nha Trang sinh sống. Ban đầu chị em khá hòa thuận, tuy nhiên, khi em trai đưa vợ về ở cùng, giữa chị chồng -em dâu nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Người em trai bênh vợ, nhiều lần quay sang chửi bới, xúc phạm chị gái.

“Người em trai vốn là đại gia kinh doanh ô tô, sở hữu cả biệt thự ở nước ngoài. Nhưng nghe vợ, ông ta lấy lý do mình là con trai, có trách nhiệm thờ phụng hương hỏa cho bố mẹ và dòng họ nên tìm cách chiếm đoạt tài sản, đuổi vợ chồng chị gái ra khỏi nhà” - luật sư sinh năm 1972 chậm rãi kể.

Vẫn theo lời luật sư, trước đó, người em lừa chị, bảo chị gái đưa sổ đỏ cho ông ta giữ chẳng ngờ ông ta tự ý chuyển sổ đỏ căn biệt thự ven biển sang tên mình, người chị gái không hề hay biết.

Khi bị em trai ngang nhiên chiếm ngôi nhà, người chị gái vì quá uất ức đã làm đơn khởi kiện ra tòa án, yêu cầu tòa án phân chia lại gia sản thừa kế. Tuy nhiên, tòa án bác đơn vì trên pháp lý, căn nhà đó đứng tên người em trai.

Giữa lúc bế tắc, bà Huệ tìm đến văn phòng luật sư nơi anh Toản làm việc nhờ giúp đỡ. Các luật sư vào cuộc, phát hiện ông Hiếu có hành vi gian dối trong việc khai nhận thừa kế và sang tên sổ đỏ. Từ chứng cứ này bà Huệ có lý do để khởi kiện ra tòa, yêu cầu HĐXX hủy sỏ đỏ đã cấp cho em trai đồng thời chia lại gia sản thừa kế theo luật định.

Tại phiên tòa, những con người vốn mang chung dòng máu với nhau bỗng chốc trở lên xa lạ.

“Chị em họ không tiếc lời mắng nhiếc, coi nhau như kẻ thù. Sau mỗi lần phiên tòa tạm nghỉ, cứ ra đến cổng tòa án là người em trai nhiều lần định lao vào hành hung chị gái” - anh Toản chua chát nói.

Chưa hết, người đàn ông này còn thường xuyên đến nhà trọ nơi vợ chồng chị gái đang tá túc để gây sự. Đỉnh điểm, có lần ông Hiếu dùng cả điếu cày đánh chị gái khiến bà Huệ phải vào bệnh viện khâu vết thương.

“Trước những hành động của em trai, bà Huệ rất đau lòng, có lúc bà ấy định buông xuôi, rút đơn kiện để chị em nối lại tình cảm ruột thịt. Nhưng sau đó nghe tin em trai bí mật rao bán căn biệt thự, bà Huệ sợ mảnh đất thờ cúng bố mẹ rơi vào tay người khác nên quyết tâm theo đến cùng”.

Theo luật sự Toản, tuy chứng cứ chứng minh sự gian dối trong việc sang tên sổ đỏ của ông Hiếu đã rõ ràng, tuy nhiên vì nhiều lý do nên vụ án kéo dài tới 10 năm.

Qua nhiều lần hủy án rồi xử lại, cách đây 1 năm, tòa án ra phán quyết hủy sổ đỏ đứng tên ông Hiếu và phân chia lại tài sản. Theo đó, gia sản sẽ chia làm 3 phần, bà Huệ nhận 2 phần do có công chăm sóc bố mẹ còn ông Hiếu nhận 1 phần.

Trong trường hợp bà Huệ không bán nhà thì phải có trách nhiệm trả số tiền tương đương với phần thừa kế ông Hiếu được nhận.

Phán quyết của tòa là vậy nhưng khi thi hành án, ông Hiếu dùng nhiều cách để trì hoãn, không giao căn biệt thự cho chị, cản trở cơ quan thi hành án. Từ đó đến nay bà Huệ cũng chưa có động thái gì vì sợ em trai làm liều.

“Tôi hi vọng, một ngày gia đình họ sẽ nhìn nhận, cùng ngồi lại giải quyết sự việc ổn thỏa. Dẫu sao “một giọt máu đào, hơn ao nước lã”. Đó cũng là đạo lý tốt đẹp của người Việt mình” - anh Toản tâm sự.

Tác giả: Nhật Linh - Thanh Hải

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP