Theo báo cáo kết quả kinh doanh mới công bố của Tập đoàn Masan, doanh thu hợp nhất quý II của doanh nghiệp đạt hơn 18.600 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ tăng ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm, tập đoàn ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 37.315 tỷ đồng, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Cả ba ngành chiếm tỷ trọng đến 80% doanh thu của công ty gồm WinCommerce (WCM), Masan Consumer (MCH), và Masan MEATLife (MML) đều đạt mức tăng trưởng dương, đặc biệt MML đạt mức tăng trưởng doanh thu đến 68,7% so với cùng kỳ quý II/2022. Các bước đi mới của đơn vị trong ba ngành hàng này ghi nhận nhiều kết quả khả quan trong bối cảnh vĩ mô vĩ mô nhiều thách thức. Nhờ nền tảng vững chắc, đại diện đơn vị tin tưởng nửa cuối năm sẽ là giai đoạn bứt tốc của Masan lẫn ngành bán lẻ.
MCH đổi mới để kích cầu
Đối diện với tình hình sức mua bị suy yếu nửa đầu 2023, MCH vẫn tăng trưởng 21,7% trong quý II/2023 so với cùng kỳ. Điều này đến từ quá trình đổi mới, phát triển mô hình bán hàng hiệu quả để giành được thị phần ở nông thôn và TP HCM.
Các ngành hàng gia vị, thực phẩm tiện lợi, sản phẩm chăm sóc cá nhân - gia đình (HPC) ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt là 21,3%, 7,8%, và 52,1% trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ. Trong quý II/2023, các ngành hàng này ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh thu lần lượt là 29,8%, 24,6%, và 73,6% so với cùng kỳ.
Vào tháng ba, công ty giới thiệu bộ sản phẩm Gia vị Nhật Bản Chin-su tại Triển lãm Thực phẩm Quốc tế Japan Foodex. Đây là một trong những hội chợ quốc tế thường niên chuyên ngành thực phẩm và đồ uống lớn nhất ở châu Á, là cơ hội quảng bá của doanh nghiệp nước ngoài đến thị trường hơn 125 triệu dân. Tiếp nối, ngày 30/5, Masan Consumer ra mắt Bộ sưu tập gia vị và Phở Chin-su tại Seoul Food 2023 - sự kiện ẩm thực lớn nhất Hàn Quốc.
Trong Đại hội cổ đông tổ chức vào tháng tư, ban lãnh đạo cho biết năm nay MCH cam kết san sẻ 50% chi phí marketing cho digital, xây dựng trung tâm thấu hiểu người dùng, đầu tư "có chiều sâu" cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Hoạt động này góp phần chuẩn hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và các tiêu chuẩn khắt khe của từng thị trường khác nhau trong lộ trình đưa ẩm thực Việt Nam ra thế giới.
Gian hàng Chin-su tại hội chợ xuất khẩu TP HCM. Ảnh: Masan |
WinCommerce tối ưu mô hình siêu thị theo phân khúc thu nhập
Masan đang tích cực thực hiện một loạt các sáng kiến để tăng doanh thu và lợi nhuận của WCM. Nhắm đến mục tiêu nâng cao năng suất bán hàng, đơn vị mở rộng mạng lưới với thêm 152 cửa hàng WinMart+ và hai siêu thị WinMart mới trong 6 tháng đầu năm, nâng tổng số điểm bán lên 3.511 địa điểm trên toàn quốc cho cả siêu thị mini, siêu thị.
Trong nửa đầu năm, WCM đã chuyển đổi 124 cửa hàng (WinMart+) ở khu vực nông thôn sang mô hình cửa hàng nông thôn chi phí thấp (WinMart+ Rural). Mỗi cửa hàng thuộc chuỗi 124 WinMart+ Rural này đã đạt doanh thu mỗi ngày tăng 30% so với hiệu suất trước khi chuyển đổi. Đây là cột mốc quan trọng trong chiến lược của WCM để gia tăng thị phần tại vùng nông thôn - nơi có 65% dân số Việt Nam sinh sống. WCM đặt mục tiêu chuyển đổi 676 cửa hàng WinMart+ và mở thêm 200 WinMart+ Rural mới trong nửa cuối năm để thúc đẩy tăng trưởng tại khu vực nông thôn.
Bên trong một cửa hàng Win. Ảnh: Masan |
WCM cũng lần lượt chuyển đổi hai siêu thị (WinMart) ở Phú Mỹ Hưng và Thăng Long lần lượt thành mô hình cao cấp (Premium) và thành thị (Urban). Sau chuyển đổi, WinMart Phú Mỹ Hưng ghi nhận doanh thu tăng 54% so với năm ngoái và lượng khách đến cửa hàng tăng 37%. Song song đó, WinMart Thăng Long đạt doanh thu tăng 27% so với năm ngoái; lượng khách đến cửa hàng tăng 32%. Đơn vị đặt mục tiêu chuyển đổi 9 siêu thị WinMart sang mô hình thành thị mới trong nửa cuối năm để tăng hiệu quả kinh doanh.
Từ đầu năm, để gia tăng lợi ích cho người tiêu dùng, Masan triển khai chương trình hội viên WIN trên toàn quốc. Chương trình hội viên WIN đạt 6 triệu thành viên đăng ký, trong đó có 2,4 triệu thành viên tích cực mỗi tháng, với tần suất đến cửa hàng 3 lần mỗi tháng.
Masan cũng triển khai chương trình mở tài khoản Techcombank (TCB) trên chuỗi mạng lưới WCM toàn quốc, đạt mức 670.000 tài khoản trong nửa đầu năm. Hiện đơn vị đạt tốc độ 200.000 tài khoản mới mỗi tháng. Thành công này giúp hiện thực hóa chiến lược Point-of-Life (điểm đến tất cả trong một), khi các cửa hàng của WCM trở thành điểm phân phối sản phẩm cũng như dịch vụ tài chính. MSN nhận được 150.000-400.000 đồng cho mỗi tài khoản ngân hàng được mở.
MEATLife đẩy mạnh kinh doanh khi vào WinCommerce
Bước vào quý II, doanh thu LFL của MML tăng trưởng 68,7% so với cùng kỳ trong nhờ doanh thu cao hơn trên tất cả phân khúc và đẩy mạnh mảng kinh doanh thịt chế biến.
Cụ thể, MML đã cải thiện chi phí chuyển đổi và tỷ lệ sử dụng nhờ chiến lược thu hẹp khoảng cách giá với chợ truyền thống, hiện ở mức 5% từ mức 11% trong quý I/2023. Số lượng đơn hàng và doanh số bán hàng tăng lần lượt là 48% và 35% nhờ vào chiến lược quảng bá thương hiệu kết hợp cùng chương trình hội viên WIN. Doanh thu hàng ngày của các sản phẩm MML trong chuỗi siêu thị, cửa hàng WCM đã tăng 30% lên 1,55 triệu đồng vào tháng 6.
Người tiêu dùng mua sắm thịt mát MEATdeli. Ảnh: Masan |
Đại diện đơn vị nhấn mạnh, bên cạnh những điểm sáng vĩ mô gần đây như nhà nước hạ lãi suất, doanh nghiệp sản xuất được hỗ trợ vay vốn, giảm thuế VAT, kết quả tích cực đến từ các sáng kiến kể trên sẽ là "cú hích" cho Masan tăng tốc, sớm về đích cho mục tiêu doanh thu 83.500-90.000 tỷ đồng và 3.000-4.000 tỷ đồng lợi nhuận thuần trước phân bổ cổ đông thiểu số trong năm nay.
Tác giả: Thảo Nguyên
Nguồn tin: vnexpress.net