Ngày 16/4, sau khi xem xét các tài liệu, lời kể của người dân trong vụ vỡ tín dụng đen hàng chục tỷ đồng ở huyện Yên Thành, luật sư Nguyễn Trọng Hải - Trưởng VP Luật sư Trọng Hải và Cộng sự, cho biết vụ việc này không còn là một giao dịch dân sự thông thường, mà là một hoạt động kinh doanh tài chính.
“Do vậy, cần xem xét doanh nghiệp này đã có giấy phép kinh doanh hay chưa. Trường hợp chưa có giấy phép trong lĩnh vực kinh doanh tài chính, doanh nghiệp này bằng các hành vi (trả lãi suất cao hơn ngân hàng, phát hành sổ tiết kiệm….) là vi phạm pháp luật về tài chính ngân hàng, vi phạm luật tổ chức tín dụng. Thậm chí, ở đây, bằng các thủ đoạn này, doanh nghiệp Phúc Nhiên đã có dấu hiệu của việc “chiếm đoạt tài sản”, luật sư Hải nói.
"Sổ tiết kiệm" mà doanh nghiệp Phúc Nhiên sản xuất rất giống với sổ ngân hàng phát hành. Ảnh. T.H |
Cũng theo luật sư, hành vi huy động vốn, phát hành thẻ tiết kiệm, thực hiện việc chi trả lãi suất cao hơn lãi suất cơ bản của ngân hàng để chiếm đoạt tiền của khách hàng thông qua hoạt động “vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản” có thể bị xử lý hình sự về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” (Theo quy định tại điều 175, Bộ luật hình sự 2015).
Luật sư Nguyễn Trọng Hải cho rằng, mặc dù Doanh nghiệp tư nhân vàng bạc Phúc Nhiên kinh doanh trái phép liên quan đến hoạt động tín dụng, tuy nhiên hiện nay, Bộ Luật hình sự 2015 đã bỏ tội danh này. “Nhưng cũng cần xét đến yếu tố hồi tố theo Điểm e Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015 về việc thi hành Bộ Luật hình sự 2015 có hướng dẫn như sau: “… hành vi kinh doanh trái phép quy định tại Điều 159, … của Bộ luật hình sự năm 1999 xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 01/7/2016 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 để xử lý””, luật sư Hải nói.
“Có nghĩa là, hành vi kinh doanh trái phép xảy ra trước ngày 01/07/2016 đủ yếu tố cấu thành tội phạm, sau thời điểm Bộ Luật hình sự 2015 có hiệu lực nhưng vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì vẫn áp dụng quy định của Bộ Luật hình sự năm 1999 để xử lý”, ông Hải nói thêm.
Doanh nghiệp Phúc Nhiên gần đây đã tháo biển hiệu. Ảnh. T.H |
Trước đó, như Báo Nghệ An đã phản ánh, nhiều năm nay Doanh nghiệp tư nhân vàng bạc Phúc Nhiên do ông Trần Văn Phúc (50 tuổi, xã Bảo Thành, Yên Thành), làm giám đốc đã tự sản xuất sổ tiết kiệm để huy động vốn của hàng trăm người dân. Tuy nhiên, vợ chồng ông Phúc sau đó trở mặt, bất ngờ tuyên bố “vỡ nợ”, không chịu trả tiền cho họ. Vụ việc kéo dài hơn một năm nay, Công an huyện Yên Thành cũng đã nhận được nhiều đơn tố cáo của người dân từ hơn 7 tháng nay.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An, việc huy động vốn và phát hành sổ tiết kiệm của doanh nghiệp này là hoạt động trái phép, vi phạm Luật các tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước và Sở Kế hoạch - Đầu tư đều khẳng định, không cấp phép cho doanh nghiệp này để huy động vốn.
Tác giả: Tiến Hùng - Phương Thảo
Nguồn tin: Báo Nghệ An