Cuộc sống

Chuyên gia dinh dưỡng lý giải nguyên nhân "vòng bụng càng to vòng đời càng ngắn"

Theo các bác sĩ, năm 2016 tỷ lệ người lớn bị tăng huyết áp đang ở mức báo động là 48%, một mức báo động đỏ trong khi đó tỷ lệ béo phì, lười vận động tăng khiến nguy cơ bệnh không lây nhiễm càng tăng hơn.

Các khoa khám bệnh đều luôn quá tải.

Béo là sung túc và tăng huyết áp

Hiện nay, cứ trung bình 10 người lớn có 4 người bị tăng huyết áp. Theo WHO, mỗi năm có 17,5 triệu người chết về các bệnh tim mạch trên Thế giới, nhiều hơn gấp 4 lần tổng số người tử vong của 3 bệnh lý HIV/AIDS, sốt rét và lao phổi. Bệnh nhân tử vong vì tăng huyết áp và biến chứng của tăng huyết áp trên 7 triệu người.

Tại Việt Nam, năm 2000 có khoảng 16,3% người lớn bị tăng huyết áp, đến năm 2009 tỷ lệ tăng huyết áp ở người lớn là 25,4% và năm 2016 tỷ lệ người lớn bị tăng huyết áp đang ở mức báo động là 48%, một mức báo động đỏ trong thời điểm hiện tại.

Theo thống kê năm 2015 của Hội tim mạch học Việt Nam, trên 5.454 người trưởng thành (từ 25 tuổi trở lên) trong quần thể 44 triệu người tại 8 tỉnh thành trên toàn quốc mắc tăng huyết áp. Đáng ngại tăng huyết áp là bệnh dễ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm và là nguyên nhân khiến 7 triệu người trên Thế giới tử vong mỗi năm.

Trong khi đó, thói quen lối sống lười vận động, ăn uống không kiểm soát, ăn nhiều thịt, ít rau chính là nguyên nhân gây ra tăng huyết áp là điểm xuất phát gây ra hàng chục bệnh khác nhau. Đặc biệt đó là mối quan hệ của béo phì và tăng huyết áp.

PGS Lê Bạch Mai – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia trong buổi trò chuyện với các bệnh nhân bị tim mạch tại Viện Tim mạch Quốc gia, bà cho biết quan niệm rất sai lầm của người Việt đó là họ nghĩ béo là sung túc, có của ăn của để mới béo khoẻ mà không ai biết rằng vòng bụng càng to thì vòng đời càng ngắn.

Theo PGS Mai hiện nay chúng ta không còn lo thiếu dinh dưỡng mà là vấn đề do dinh dưỡng mang đến với đủ các bệnh như bệnh đái tháo đường, tim mạch, ung thư. Dinh dưỡng không có tội mà chủ yếu là thói quen của người dân sử dụng dinh dưỡng chưa hợp lý dẫn đến tình trạng béo phì.

PGS Mai cho rằng WHO liên tục đưa ra hướng dẫn kiểm soát thừa cân béo phì để phòng chống bệnh mãn tính trong đó có tim mạch, ung thư nhưng người Việt mình thường nghĩ béo là thịnh vượng, có tâm lý đặc biệt là thích béo.

Trong khi đó béo phì là phần nổi của tảng băng chìm mà chúng ta cần suy nghĩ để giải quyết nó chứ không phải đó là thịnh vượng, là giàu có – PGS Mai nhấn mạnh.

Để biết mình có béo phì không, PGS Mai cho rằng mỗi người có thể tự kiểm soát được. Trung bình mỗi người cân năng/chiều cao với chỉ số BMI bằng 22 là lý tưởng nhất, BMI không vượt quá 20 - 22 là cân nặng ổn định nhất để bảo vệ sức khỏe

Đọng mỡ bụng nguy hiểm

Nhiều nghiên cứu cho thấy kiểu béo phì của người Việt Nam là béo bụng và tỷ lệ mỡ trong cơ thể cao, nhất là với phụ nữ. Đặc biệt, ngày nay khi áp lực cuộc sống tác động càng lớn, phụ nữ càng dễ bị béo ở vòng bụng. Các thống kê cho thấy nhân viên văn phòng, nữ công chức, phụ nữ sau sinh... là đối tượng dễ bị béo bụng nhất.

PGS Mai cho biết tình trạng đọng mỡ vòng eo chiếm tỷ lệ rất cao. Khi mỡ vòng eo nhiều rất nguy hiểm bởi dễ dẫn đến đọng mỡ tạng, mỡ vòng eo càng cao thì nguy cơ máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ càng lớn chính vì thế các chuyên gia thường nói vòng bụng to thì vòng đời ngắn.

Để cải thiện tình trạng béo bụng, PGS Lê Bạch Mai khuyến cáo nên có chế độ dinh dưỡng phù hợp, giảm mỡ động vật, bánh kẹo, thức ăn nhanh, nước ngọt, bia rượu… Tăng cường rau xanh, hoa quả ít ngọt. Đồng thời cần tập luyện từ 5-6 ngày một tuần và ít nhất 30 phút mỗi lần. Tập các bài tập cho vòng eo, bụng, đùi - nơi mỡ trắng tích lũy nhiều.

Tác giả: Khánh Ngọc

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP