Xã hội

Chuyện "động trời": Vị Đại tá thế chấp nhà kéo điện cho dân

Bước ra từ chiến tranh cũng là lúc tuổi đã xế chiều, nhưng với tinh thần, trái tim người lính ông vẫn có nhiều hoạt động thiện nguyện khiến bao người mến phục.

Đường về làng Tiên Đõa, xã Bình Sa, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam những ngày này rợp đỏ cờ hoa. Trong căn nhà nhỏ của mình, cựu binh Lê Xuân Đây (86 tuổi) trông vẫn còn khỏe mạnh, tinh anh. Sau chén trà nước mời khách, ông Đây kể, ông đã trải qua ấy chục năm binh nghiệp rồi bước ra khỏi 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc với quân hàm Đại tá, nguyên Sư trưởng Sư đoàn 968 - Quân tình nguyện Nam Lào.

Tròn 20 tuổi, ông chính thức gia nhập vào lực lượng bộ đội chủ lực, tham gia kháng chiến ở Quảng Nam - Đà Nẵng. Được ít năm, người lính trẻ tập kết ra Bắc theo hiệp định bấy giờ. Tại đây, ông kết duyên với một cô bộ đội xinh đẹp đang công tác ở Quân khu Tản Ngạn - Hải Dương.

“Đám cưới xong tôi lại lên đường chiến đấu. Đơn vị chúng tôi giữ đường 9 Nam Lào ở Quảng Trị. Đây là thời điểm khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh. Sau theo yêu cầu, đơn vị đánh sang Lào giữ Tây đường Hồ Chí Minh, làm nhiệm vụ quốc tế hỗ trợ, giải phóng nước Lào”, ông Đây kể.

Quá khứ bom đạn, binh lửa qua ký ức của người cựu binh còn là những trận đánh làm nên tên tuổi của Sư đoàn 968, như đánh chiến dịch cao nguyên Bolovens – Paksong (Lào); là những trận đánh tốc chiến khi quân ta dội hàng ngàn quả pháo, oanh tạc vào trận địa của địch chỉ trong 1 phút; hay những bước chân hành quân thần tốc xuyên Trường Sơn về giải phóng mặt trận Tây Nguyên, góp phần vào công cuộc thống nhất đất nước.

Cựu binh, Đại tá Lê Xuân Đây.

Nói đến đây, mắt ông rớm lệ. Đoạn, ông trở vào nhà dưới rồi mang ra lần dở cho chúng tôi xem những kỷ vật từ chiến tranh. Trong đó có chiếc áo sờn màu, cũ kỹ nhưng được nâng niu, gìn giữ. Trên áo còn lộ rõ những vết lõm mà theo ông đó là đạn súng quân thù găm vào.

Ông kể tiếp, hòa bình lập lại, ông trở về với vợ con sau đằng đẵng xa cách. Bà bấy giờ vẫn ở miền Bắc chờ ông. Tuy nhiên, ngày đoàn viên chưa được bao lâu thì tin dữ dồn dập ập đến. Sau cái chết của người mẹ, đứa con trai của ông đang công tác trong quân đội cũng qua đời. Bản thân người cựu chiến binh hồi đó đã mắc bệnh tim do bi thương nhiều quá. Chân của ông bị tật do bom cắt đứt 1/3 gân Achille.

Cuối cùng, vị Đại tá chọn quay về lại quê hương, mảnh đất ở làng Tiên Đõa, nơi dòng tộc, quê hương của ông. Những năm 90 của thế kỷ trước, Tiên Đõa còn nghèo khó, điện đài không, nước thì nhiễm chua, phèn.

Năm 1996, đường dây điện đã về làng bên, nhưng Tiên Đõa vẫn âm u trong ánh đèn dầu hiu hắt. Người dân lấy đâu ra tiền để nộp 500.000 đồng chi phí kéo dây điện, bởi thời điểm đó số tiền trên là cả gia tài mà bao người không dám mơ.

“Thật sự rất khó khăn, bởi dân chúng tôi đều nghèo. Và rồi bà con ai cũng sửng sốt khi nghe ông Đây bỏ ra mấy chục triệu đồng nộp phí cho cả làng. Đáng trân trọng lắm! Chúng tôi phát khóc khi hay tin để có số tiền lớn đó, ông Đây đã phải thế chấp căn nhà… Về sau, bà con có tiền cũng mong gửi lại nhưng ông không lấy", bà Trương Thị Tiền (SN 1968), người dân địa phương xúc động chia sẻ.

Dây điện được kéo về, cả làng Tiên Đõa bừng sáng. Hy vọng, đổi thay và sự phát triển cũng từ đó mà đi lên. Số tiền còn lại từ việc thế chấp nhà, ông đem đi sửa sang lại giếng Tiên (giếng làng bấy giờ) cho bà con lấy nước, sinh hoạt; tự bỏ tiền sửa trường mẫu giáo của làng, đạp xe đi mua quạt, mua đồ cho trường. Ông Đây còn xây nhà cho nhiều người nghèo khó trong làng; chăm lo việc học cho con em địa phương… Phải hơn 3 năm sau từ ngày thế chấp nhà, ông mới góp đủ lương hưu để trả nợ.

Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến, ông được tặng Huân chương Độc lập.

"Tôi già rồi giữ lại làm gì! Cứ phải cho đi. Tôi muốn giúp lũ trẻ học hành nên người, giúp bà con trong làng bớt khổ. Tôi trở về được với quê hương xem như may mắn hơn bao đồng đội rồi. Để nhắc con cháu tri ân thế hệ cha ông, tôi cũng muốn trùng tu những di tích văn hóa của quê hương như giếng Tiên, cổng làng,… để cho thế hệ mai sau hiểu biết về cội nguồn và tiếp tục phát huy truyền thống của quê hương”, vị Đại tá nói.

Cống hiến thanh xuân cho dân tộc, dành phần tuổi già cho thiện nguyện, ông còn khiến chúng tôi nghẹn ngào khi đến giờ vẫn sống bình dị trong căn nhà cấp 4 đã cũ, mà năm xưa ông từng đem cầm cố kéo điện về cho làng, với người vợ thứ.

Người đại diện hội Cựu chiến binh xã Bình Sa, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam cho biết: "Đồng chí Lê Xuân Đây nguyên là Phó Chủ tịch hội Cựu chiến binh huyện Thăng Bình. Đồng chí Đây đã dành dụm những đồng tiền lương ít ỏi của mình, thậm chí vay mượn thêm để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Các cấp chính quyền và người dân ai cũng kính trọng, mến thương đồng chí Đây".

Tác giả: Lê Nhâm Thân

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP