Cuộc sống

Chứng bệnh nguy hiểm do dùng thuốc, mỹ phẩm tùy tiện

Hai bệnh nhân đến khám với biểu hiện tương tự nhau như nổi ban đỏ, bóng nước, trợt và hoại tử da, viêm loét ở miệng, sau nhiều ngày dùng thuốc và kem tẩy tế bào chết.

Phòng khám Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, đã tiếp nhận một nữ bệnh nhân (42 tuổi, ngụ tại Tiền Giang) đến khám vì bị nổi ban đỏ ở da, kèm các mụn nước, bóng nước, viêm loét ở miệng và bộ phận sinh dục.

Bệnh nhân từng sử dụng một loại kem thoa da không rõ nguồn gốc với mục đích tẩy tế bào chết, làm trắng mịn da trong 10 ngày liên tục.

Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, người bệnh được chẩn đoán bị hội chứng Steven Johnson do dị ứng với mỹ phẩm.

Bác sĩ Tài khám cho bệnh nhân. Ảnh: Bác sĩ cung cấp.


Một bệnh nhân khác (55 tuổi, ở TP.HCM) cũng đến khám với biểu hiện tương tự. Người đàn ông này cho biết trước đó có sử dụng một loại thuốc chữa bệnh gout. Sau 20 ngày, cơ thể bắt đầu xuất hiện các triệu chứng lở loét da.

Bác sĩ Trần Thiên Tài, phòng khám Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho hay đây là trường hợp dị ứng thuốc gây ra bệnh cảnh Steven Johnson.

Hội chứng Steven Johnson có đặc điểm nổi bật là xuất hiện các tổn thương ở da, niêm mạc xảy ra cấp tính với tình trạng hoại tử lan rộng, bóc tách lớp thượng bì (tổn thương da thường <10% diện tích cơ thể), có thể đe dọa đến tính mạng.

Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trung bình từ 25-47 tuổi, ở nhiều chủng tộc khác nhau trên thế giới, nam gặp nhiều hơn nữ. Tỷ lệ mắc mới mỗi năm khoảng 1.1/1.000.000 người trên thế giới, tỷ lệ tử vong vào khoảng 5%.

Hiện nay, số người mắc Steven Johnson ở Việt Nam có xu hướng ngày càng gia tăng do việc sử dụng thuốc bừa bãi, không tuân theo chỉ định của bác sĩ.

Khi có dấu hiệu bất thường trên da, bệnh nhân, đặc biệt là người từng sử dụng các loại thuốc, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, cần phải đến khám bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá, chẩn đoán sớm.

Người bệnh cần được can thiệp điều trị sớm bằng các phương pháp như điều trị nâng đỡ như bồi hoàn đầy đủ nước và điện giải, kiểm soát tình trạng nhiễm trùng, chăm sóc vùng da và niêm mạc bị trợt, hoại tử. Ngoài ra, các bác sĩ còn điều trị bằng thuốc corticoide, ức chế miễn dịch, Globulin miễn dịch truyền tĩnh mạch.

Lưu ý, bệnh nhân cần được xác định chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng này. Những trường hợp bị dị ứng thuốc, cần xác định loại thuốc và tuyệt đối không được sử dụng.

Tác giả bài viết: Hà Quyên

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP