Một số SV năm cuối vật vờ trên giảng đường |
Đăng ký 17 môn một học kỳ
Phải học nhiều môn trong một học kỳ, cộng với việc làm thêm để trang trải cuộc sống, khiến nhiều SV “thở không ra hơi”. Không chỉ vậy, với những trường có nhiều cơ sở, SV phải chạy sô từ cơ sở này sang cơ sở khác để kịp giờ học.
T.C.P, SV năm cuối Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết P. đăng ký 17 môn học trong một học kỳ, nhằm kịp tiến độ tốt nghiệp. Từ nơi trọ của P. đến trường hơn 12 cây số. Tờ mờ sáng đã phải dậy đi học ở cơ sở An Dương Vương (Q.5), rồi đến chiều chạy qua Lê Văn Sỹ (Q.3) học tiếp, tối lại phải đi làm thêm. Việc “học đua” khiến P. mệt mỏi vô cùng. Có những môn học trùng lịch, làm P. chọn học môn này thì chấp nhận bỏ học môn kia.
“Đi học khổ hơn đi làm nữa. Cũng vì cái tội những năm đầu không chịu học, đăng ký học ít để đi chơi, đi làm, giờ cuống cuồng lo. Nếu đăng ký tầm 7, 8 môn một học kỳ thì việc học sẽ thong thả. Giờ học nhiều, uể oải, lên là ngủ. Thầy cô nào dễ thì trốn về”, P. nói.
Học quá tải dễ dẫn đến sự chán chường ẢNH: CHÂU TẤN |
P. cũng cho biết thêm ở năm cuối nhiều thứ phải lo như là việc tìm nơi thực tập. Vì ngành P. học là ngành ngoài sư phạm, muốn thực tập phải chủ động tìm. Không chỉ vậy, khoảng học phí của P. phải đóng gấp đôi số tiền của những học kỳ trước. “Nhiều khi muốn bỏ học ra đi làm đại công việc gì cho xong, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì năm cuối rồi phải 'gồng' để nhận bằng ra trường. Rồi mỗi ngày đi học lại là một áp lực vô hình đè lên”.
Câu chuyện của P. như là bức tranh hiện thực mà không ít SV năm cuối đang đối mặt. Họ loay hoay với mớ hỗn độn mà nguyên nhân chính là từ việc lơ là học tập, đến khi “nước tới chân mới nhảy”.
N.A.T, SV năm 4, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ rằng học kỳ này T. phải học từ đầu tuần đến cuối tuần. “Hôm nào không nhìn lịch học là chẳng nhớ học môn nào. Lên ĐH môn nào cũng làm việc nhóm, mình đăng ký nhiều môn quá nên chẳng nhớ vào nhóm nào luôn! Sáng học tới tờ mờ tối, đêm về làm tiểu luận, bài tập. Học suốt như người điên…”, T. chia sẻ. Sau cùng, T. chốt lại một câu: “Chỉ có những người ở năm cuối mới hiểu nỗi lòng của nhau”.
Muốn bỏ học…
Tốt nghiệp ĐH đúng hạn đối với nhiều người là chuyện rất bình thường, nhưng đó lại là một nỗi áp lực kinh hoàng đối với một số sinh viên trễ nải.
Trong một lần tình cờ, chúng tôi gặp T.V.N, SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, lững thững đi bộ với dáng vẻ mệt mỏi, đôi mắt thâm quầng. N. tâm sự đây là năm thứ 6, nhưng vẫn còn ở lại trường để học nốt những môn còn lại. Nhiều bạn bè N. chọc quê rằng “học lâu như vậy là để lên thạc sĩ”.
N. kể học ngành cơ khí hệ 4 năm, nhưng vì nợ môn quá nhiều nên phải ở lại trả. “Ra đường ai hỏi, mình xấu hổ, toàn trả lời tốt nghiệp rồi. Lúc năm 4, đăng ký ào ạt, học không nổi, bỏ thi bỏ học nên đến giờ vẫn chưa ra nổi”, N. kể. Bây giờ N. vẫn có một công việc làm, nhưng vì chưa có bằng ĐH mà N. không được là nhân viên chính thức của công ty.
Trả nợ môn, học đủ tín chỉ yêu cầu, thi tiếng Anh, tin học, khóa luận, báo cáo thực tập… những điều đó khiến không ít SV lao đao, chật vật. T.T.N.Y, SV Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, bộc bạch rằng xuất phát điểm là SV có học lực trung bình so với các bạn cùng khóa, sau đó còn bảo lưu một học kỳ. Hiện tại học năm cuối nhưng Y. chỉ mới đạt 84/149 tín chỉ. Học kỳ này Y. học tổng cộng 11 môn trải đều từ thứ hai đến thứ bảy, gấp rút ôn thi bằng tiếng Anh và tin học để đủ cơ sở xét tốt nghiệp. Vì áp lực từ phía gia đình, từ chính bản thân nên Y. cố “chạy đua”. Y. cũng cho biết nhiều lúc stress, khủng hoảng tinh thần vì chuyện học.
Câu chuyện “chạy đua” để tốt nghiệp đại học đúng hạn không chỉ đối với SV năm cuối, mà với năm 2, năm 3, họ cũng có những lo lắng và dự định để tránh những tình huống tréo ngoe như các anh chị khóa trên. N.V.B.H, sinh viên năm 3 Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết bản thân thường xuyên được những anh chị khóa trên nhắc nếu không “chạy đua” từ giờ thì trước sau gì cũng phải “học vội”. Nên H. đã đăng ký 13 môn trong học kỳ này.
Không chỉ áp lực vì việc học nhiều, H. còn bị áp lực bởi chuyện thành tích học tập, sợ tấm bằng bị xếp loại trung bình, mất giá trong mắt nhà tuyển dụng. H. nói vui: “Giá mà hồi đó mình giống nhiều đứa, tốt nghiệp cấp ba xong cưới chồng giờ an bề gia thất rồi”.
Có nhiều cuộc chạy đua mang tính chất tích cực nhằm tiến bộ trong học tập, nhưng cuộc “chạy đua” để ra trường đúng hạn là một cuộc “chạy đua” căng não…
Tác giả: Ý Như - Châu Tấn Hiệp
Nguồn tin: Báo Thanh Niên