Giáo dục

Chấn chỉnh việc tổ chức trải nghiệm cho học sinh khi gây dư luận xấu

Sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết một số cơ sở giáo dục tổ chức hoạt động trải nghiệm bên ngoài nhà trường đã để xảy ra việc mất an ninh, an toàn, gây dư luận xấu.

Học sinh Hải Phòng trong một buổi hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường. Ảnh: Trường Tiểu học Quang Trung.

Theo Sở GD&ĐT Hải Phòng, thời gian gần đây, một số cơ sở giáo dục đã tổ chức thực hiện hoạt động trải nghiệm, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động dạy học tích hợp liên môn và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp bên ngoài nhà trường chưa hiệu quả, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, gây lãng phí, chưa phù hợp với mục tiêu giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trên thực tế đã xảy ra một số vụ việc mất an ninh, an toàn; gây dư luận xấu.

Để đảm bảo hoạt động trải nghiệm được thực hiện đúng quy định, đạt hiệu quả, Sở GD&ĐT Hải Phòng yêu cầu các đơn vị tuyệt đối không tự tổ chức các hoạt động trải nghiệm mang tính tự phát.

"Nghiêm cấm lợi dụng việc tổ chức hoạt động trải nghiệm để đi tham quan, du lịch, dâng hương; thu tiền của học sinh, phụ huynh trái quy định", văn bản của sở nêu rõ.

Ngoài ra, việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, kế hoạch hoạt động ngoài giờ lên lớp phải thực hiện theo đúng các văn bản hướng dẫn của sở.

Các đơn vị rà soát kế hoạch tổ chức hoạt động trải nghiệm, xác định hình thức tổ chức, quy mô tổ chức đảm bảo phù hợp với các chủ đề trong chương trình hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và hoạt động ngoài giờ lên lớp, đáp ứng yêu cầu cần đạt trong chương trình; phù hợp với tình hình đặc điểm của nhà trường và địa phương.

Nếu tổ chức các hoạt động trải nghiệm theo hình thức bên ngoài nhà trường, các đơn vị phải đảm bảo đạt sự tự nguyện, đồng thuận của học sinh và phụ huynh. Việc tổ chức lấy ý kiến phụ huynh và học sinh bảo đảm rộng rãi, công khai, dân chủ.

Nội dung phải có trong kế hoạch giáo dục nhà trường và triển khai trong kế hoạch giáo dục của các tổ/nhóm chuyên môn, được hội đồng trường phê duyệt kế hoạch.

Khi tổ chức hoạt động, nhà trường phải có phương án tổ chức dạy học đảm bảo đủ thời gian thực hiện chương trình các môn học theo quy định. Hạn chế tổ chức hoạt động toàn trường, nhiều khối hoặc quá đông học sinh trong cùng một thời điểm; chỉ tổ chức theo đơn vị lớp, nhóm lớp hoặc câu lạc bộ phù hợp với định hướng nghề nghiệp, nhu cầu, nguyện vọng của học sinh, phụ huynh và khả năng tổ chức của đơn vị.

Kinh phí tổ chức phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; đảm bảo tiết kiệm, công khai, minh bạch.

Các kế hoạch đã đề ra cần được thực hiện nghiêm túc, phối kết hợp hiệu quả giữa các lực lượng để đảm bảo an ninh, an toàn, sức khỏe cho học sinh và giáo viên trong quá trình tổ chức hoạt động trải nghiệm.

Sở GD&ĐT lưu ý các đơn vị cần phân định rõ việc tổ chức cho học sinh học tập trải nghiệm với việc đi tham quan, du lịch do cá nhân học sinh và cha mẹ học sinh tự nguyện tổ chức ngoài kế hoạch giáo dục nhà trường và ngoài thời gian nhà trường quản lý theo quy định.

Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về việc tổ chức thực hiện hoạt động trải nghiệm nghiêm túc, hiệu quả, đạt mục tiêu giáo dục, đảm bảo đúng quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Trước đó, như Tri thức - Znews đã đưa tin, vừa qua, nhiều phụ huynh trường THPT Lê Hồng Phong (Hải Phòng) bức xúc phản ánh nhà trường tổ chức chương trình học tập trải nghiệm cho học sinh khối 12 ở 4 tỉnh miền Trung với chi phí 2,83 triệu đồng/em. Chương trình mang tên Theo dòng lịch sử, kéo dài 3 ngày 2 đêm.

Ngày 7/3, một xe khách chở học sinh trường THCS Hoà Nghĩa (Hải Phòng) đi học tập trải nghiệm tại Khu di tích K9 - Đá Chông và Làng văn hóa các dân tộc thiểu số (Hà Nội) đã va chạm giao thông trên đường, một số học sinh phải đi kiểm tra sức khỏe.

Tác giả: Ngọc Bích

Nguồn tin: znews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP