Người cai nghiện lao động tại Trung tâm giáo dục lao động xã hội II
Còn Nguyễn Trần Anh Tuấn ở thành phố Vinh, mới 27 tuổi nhưng đã từng cai nghiện nhiều lần tại nhà nhưng không thành. Con đường đến với ma túy đá của Tuấn không liên quan gì đến chuyện buồn vui gia đình mà chỉ vì một lúc nông nổi, muốn thử cảm giác ma túy cho biết. Ai ngờ nghiện lúc nào chẳng hay. Tuấn theo đám bạn chơi ma túy đá từ ngày còn học cấp 3. Tính ra, Tuấn đã uổng phí gần 10 năm quý giá của đời người cho những ngày tháng vật vã vì ma túy. Lần này, vào chữa bệnh tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội 2, Tuấn quyết cai nghiện, đoạn tuyệt với ma túy. Tuấn nói: Vào đây, em nhận ra gia đình là trên hết. Bởi lúc này chỉ có gia đình bên cạnh em, bạn bè trước đây rủ rê giờ cũng không thấy. Gần hết thời gian ở đây khi ra xã hội em cũng phải kiếm một công việc để trở thành người có ích.
Sau khi đã cắt được cơn nghiện, phần lớn những bệnh nhân tại các Trung tâm Giáo dục lao động xã hội đều thể hiện ý thức tự giác chấp hành nội quy của Trung tâm và quyết tâm từ bỏ ma túy để làm lại cuộc đời. Từ khi vào Trung tâm giáo dục lao động xã hội II, Ngô Văn Bình xin được lao động thường xuyên, từ làm ruộng, chăn nuôi, chăm cây, làm giấy vàng mã… để sớm quên cảm giác ma túy. Bình ân hận vì tính cả lần này thì đã 3 lần Bình vào trung tâm cai nghiện. Cũng sắp hết hạn cai nghiện để về với gia đình, nhưng Bình vẫn có điều băn khoăn trước khi tái hòa nhập cộng đồng: Lao động tại trung tâm giúp tôi thấy quý những gì mình làm ra hơn... Sắp về với gia đình, tôi cũng mong gia đình và xã hội có cái nhìn với người đã nghiện ma túy khác hơn để chúng tôi dễ hòa nhập.
Lao động giúp học viên sớm quên và cắt cơn nghiện ma tuý
Hiện nay, Trung tâm giáo dục lao động xã hội II có 126 học viên thì 80% trong số đó có độ tuổi dưới 35. Nguy hại hơn là những năm gần đây, các học viên trẻ tuổi khi vào trung tâm thường nghiện ma túy tổng hợp nên phác đồ điều trị gặp nhiều khó khăn hơn, do vậy, Trung tâm phải rất nỗ lực mới giúp họ không còn nghĩ đến ma túy - Ông Đào Ngọc Lương - PGĐ Trung tâm giáo dục lao động xã hội II cho biết.
Nghệ An hiện có 8 trung tâm giáo dục lao động xã hội. Một trung tâm cai nghiện thực sự hiệu quả lẽ ra phải thu hút nhiều học viên. Thế nhưng, lại không như vậy. Cũng không phải do xã hội đã hết người nghiện, không còn nhu cầu cai nghiện nữa. Vấn đề là ở chỗ, vì những mặc cảm, người nghiện và gia đình chưa hiểu cai nghiện là chữa bệnh nên khu vực cai nghiện tự nguyện của các trung tâm luôn vắng người.
Bà Nguyễn Thị Hường - Phó Chi cục trưởng Chi cục PCTNXH tỉnh Nghệ An chia sẻ: Cần phải hiểu cai nghiện là đi chữa bệnh. Các trung tâm giáo dục, lao động xã hội là nơi giúp người bệnh chữa trị vì người nghiện có thể điều trị nội trú, ngoại trú... tùy yêu cầu của mình.
Mong rằng, câu chuyện của những bệnh nhân đang cai nghiện là bài học cảnh tỉnh cho nhiều bạn trẻ. Đừng vì thiếu hiểu biết, đừng vì đua đòi mà rước họa vào mình, trở thành gánh nặng cho gia đình và cộng đồng..
Tác giả bài viết: Xuân Hướng – Trường Ca