Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Đồng (hay còn được gọi bằng tên thân mật là bà Đồng Long - chủ một nhà hàng bún bò có truyền thống làm nghề hơn 30 năm tại xã Đức Thịnh) cho biết, món bún này được lấy theo tên cây cầu Đò Trai nổi tiếng của Đức Thọ.
Có cách ăn khá giống với món bún chả nổi tiếng của thủ đô Hà Nội, bún bò Đò Trai không để bún sẵn vào bát nước dùng mà cho ra đĩa riêng. Cách ăn này khiến cho bún không bị nát nếu để quá lâu, bên cạnh đó, tùy vào sức ăn của thực khách, bún sẽ được cho vào nhiều hay ít. Một điểm dễ nhận thấy nhất là sợi bún Đò Trai to, tròn, có màu hơi nâu như hoa cau, bởi được làm theo cách thủ công hoàn toàn bằng tay từ một loại gạo quê vẫn thường được người dân nơi đây sử dụng để nấu rượu.
Để làm ra một bát bún bò Đò Trai thơm ngon, khâu đầu tiên chọn nguyên liệu đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Bà Đồng Long chia sẻ, thịt bò được sử dụng chính là từ chính những con bò được chăn thả ven đê nơi vùng quê này.
Chiếc đùi bò tươi nguyên, được treo trong gian bếp nhà hàng bún bò Đò Trai Đồng Long. Mỗi khi khách hàng gọi món, thịt sẽ được cắt trực tiếp ra từ chiếc đùi này để chế biến.
Thịt bò mềm, ngon, thơm được cắt thành những miếng bản to, với độ dày vừa phải.
Nước dùng được sử dụng cho món bún chỉ từ xương ống bò, thịt ngon và gừng tươi. Gừng cũng nhất định phải là gừng quê, do mang lại mùi thơm đặc trưng hơn so với các loài gừng nơi khác.
Thịt bò được chần tái trong nồi nước dùng. Người đầu bếp khi chần thịt phải tính toán chuẩn thời gian, không cho thịt được chín quá để khi ăn đảm bảo được vị ngọt.
Bà Đồng Long chia sẻ, tùy theo yêu cầu thực khách muốn ăn bún cùng nước dùng béo, vừa hay ít béo, đầu bếp sẽ chế biến cho phù hợp.
Bún bò Đò Trai được ăn kèm cùng các loại rau thơm, xà lách và bánh đa (còn gọi là bánh tráng). Các gia vị cần thiết khác như chanh, ớt, dấm tỏi và sa tế giúp cho món ăn trở nên hoàn hảo.
Không chỉ còn là một món ăn, Bún bò Đò Trai giờ đây còn mang hình ảnh của cả một vùng quê hiền hòa của Hà Tĩnh.
Tác giả bài viết: Đặng Phương
Nguồn tin: