Cuộc sống

Bố về hưu "trở chứng" bồ bịch, con cái khổ tâm

Mới đây, cô Thoa và hai con suy sụp, ê chề khi biết... người chồng người bố mẫu mực đã hơn đã 60 tuổi qua lại với cô gái ở quán cà phê, điều họ không thể nào tưởng tượng nổi.

Chồng về hưu lăng nhăng, lại còn ghen ngược

Cô Nguyễn Thị Hoa, 53 tuổi, ở TPHCM cho biết, thời gian qua cô hết sức khổ tâm vì ông chồng về hưu "trở chứng ngựa trời".

Chồng cô vừa về hưu chưa lâu. Ai biết cũng khen ông sướng, về hưu tha hồ tận hưởng, con cái đều đã trưởng thành. Riêng người thân trong nhà đang trải qua giai đoạn mà cô Hoa phải thốt lên chưa từng gặp sau gần 40 năm lấy nhau.

Từ một người chồng tận tụy, vui vẻ, chồng cô như biến thành một con người khác. Ở nhà không đi làm, ra vào đụng mặt vợ con là ông gây sự, nổi khùng, không khí gia đình vô cùng căng thẳng.

Từ người không rượu bia, ông quay sang nhậu nhẹt, nhả khói thuốc cả ngày. Mới đây, cô Thoa và hai con suy sụp, ê chề khi biết... ông qua lại với cô gái ở quán cà phê ít hơn tuổi cô con gái út, điều họ không thể nào tưởng tượng nổi.

Biết vậy nhưng không ai dám góp ý, lên tiếng, mở lời là ông nổi khùng ngay, có thể ném cả đồ đạc. Không những vậy, ông còn quay sang ghen ngược vợ đi làm váy áo xí xọn.

Chị Lê Ngọc Hảo, ở Tân Bình, TPHCM, kể Tết năm nay gia đình mất Tết không chỉ vì thay nhau chăm bố trong bệnh viện và cả nhà còn bị khủng hoảng sau khi bố chị về hưu.

Bố chị không mắc bệnh gì cụ thể nhưng gần năm nay, từ khi về hưu, không phải đi làm, ông đổ bệnh. Ông suy sụp, trở nên uể oải, ăn không ngon, ngày chỉ ngủ được 4 - 5 tiếng...

Rồi có đợt, ông nghiện điện thoại, lên mạng làm quen, nhắn tin linh tinh làm quen khắp nơi. Chẳng hiểu sao, ông lại quen cô nữ sinh mà theo chị tìm hiểu được là đang học đại học, ông thường xuyên bắn thẻ điện thoại, nhiều lần chuyển tiền cho cô ta. Hai người hẹn gặp nhau một thời gian rồi không hiểu sao sau đó ngưng liên lạc.

Chị Hảo cho hay, mới đây, do vướng dịch nên bố chị phải hủy kế hoạch Tết này về thăm quê ở Vĩnh Phúc. Sau đợt hủy vé, ông đổ bệnh, ốm liệt giường, tính khí khó chịu, gắt gỏng.

Đến khi cơ thể bị suy nhược, ông mới chịu vào bệnh viện truyền nước. Về sức khỏe ông không bệnh gì nghiêm trọng, sau nhiều ngày nằm viện, gia đình được hướng dẫn nên đưa ông đi khám tâm lý.

Chuẩn bị cho kế hoạch về hưu

Sau hàng chục năm làm việc, nhiều người nghĩ về hưu là thời gian để nghỉ ngơi, tận hưởng. Vậy nhưng, rất nhiều người bị "sốc" sau khi về hưu kéo theo nhiều hệ lụy ít ai lường trước.

Có người đang khỏe mạnh, lăn ra ốm, hay có người lại trở chứng, thay đổi tính khí, vướng vào những tệ nạn như cờ bạc, nhậu nhẹt, trai gái... Điều mà trước đây, người thân và chính bản thân họ ít khi nghĩ đến.

Sốc tâm lý sau khi về hưu có thể dẫn đến trầm cảm ở người lớn tuổi (Ảnh minh họa)

Theo các bác sĩ tâm lý, vấn đề sức khỏe tâm thần của người lớn tuổi, nhất là sau khi về hưu chưa được quan tâm. Nhiều người lớn tuổi dễ rơi vào trầm cảm sau khi về hưu.

Họ thay đổi lối sinh hoạt quen thuộc, mất nề nếp, tương tác, kết nối với đồng nghiệp, môi trường bên ngoài. Có nhiều thời gian rảnh rỗi, cảm giác trống rỗng, có người thấy mình như người thừa, thậm chí là vô dụng. Có người gặp khó khăn về tài chính, áp lực kinh tế, lo lắng về bệnh tật... càng làm họ dễ bị sốc tâm lý.

Những xáo trộn này, cộng thêm những thay đổi, khó khăn trong sức khỏe, suy giảm khả năng tình dục, tâm sinh lý lứa tuổi, họ trở nên nhạy cảm hơn, có thể thay đổi tính khí, sa vào những hành vi, hoạt động tiêu cực.

Để tránh điều này, không ít người ngay từ khi đang đi làm đã có những sự chuẩn bị từ trước cho kế hoạch về hưu.

Với kinh nghiệm của mình, có người sau khi về hưu liền tìm công việc mới, làm cộng tác viên, cố vấn, chuyên viên; tham gia các hoạt động đoàn thể của người cao tuổi, đi từ thiện hay thực hiện các kế hoạch, mục tiêu như đọc sách, học thêm, chơi với cháu hay chăm sóc vườn tược...

Anh Nguyễn Mạnh Thắng, 33 tuổi, ở TPHCM kể, sau khi về hưu, bố anh là một trưởng phòng, xin vào làm bảo vệ cho chính cơ quan cũ của mình. Lúc đầu, các con ngăn cản nhưng sau đó, hiểu tâm trạng của bố nên cả nhà đều ủng hộ.

"Hàng ngày, bố tôi vẫn đi làm, vẫn gặp đồng nghiệp lại còn có thêm thu nhập, tạo ra giá trị... nên dù về hưu, bố tôi vẫn rất vui vẻ, phấn chấn", anh Thắng nói.

Theo anh, bố mẹ lúc này rất cần sự động viên, quan tâm, thấu hiểu tâm lý từ con cái, người vợ, người chồng để họ có thể giữ thăng bằng, tránh những sa ngã không hay.

Tác giả: Hoài Nam

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP