Tương truyền, vào thế kỷ thứ 16, vùng đất An Hòa là vùng đầm lầy nước mặn, chưa có người dân sinh sống. Sau hơn 1 thế kỷ, qua biến đổi của thời gian, vùng đất này đã trở thành một thương cảng Nước Mặn sầm uất và lớn nhất của xứ Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn.
Cũng từ đây, người dân vùng cảng thị Nước Mặn đã xây dựng một ngôi chùa thờ các vị gồm Thiên Mẫu Thánh Hậu, Bà Thai sanh bảo sản và Thần Hoàng làng, đây là những người có công xây dựng nên cảng thị Nước Mặn và phù hộ cho người đi biển, buôn bán, mưa thuận gió hòa, an cư lạc nghiệp.
Để tưởng nhớ các vị thần, các bậc tiền nhân khai sinh lập địa ra cảng thị Nước Mặn, hàng năm, từ vào ngày cuối cùng của tháng Giêng đến mùng 2 tháng 2 âm lịch, người dân làng An Hòa lại tổ chức lễ hội Đô thị Nước Mặn.
Lễ hội Đô thị Nước Mặn là một trong những lễ hội truyền thống, có quy mô lớn ở Bình Định với nhiều nghi lễ trang trọng gồm Lễ tế Thiên hậu Thánh Mẫu, Thần Hoàng làng, Bà Thai sanh. Trong đó, phần nghi thức rước lễ Ngư – Tiều – Canh – Mục với các biểu tượng hình người diễn ra rất trang nghiêm và được đông đảo người dân chờ đón.
Ngày nay, vùng cảng thị Nước Mặn đã không còn nhưng lễ hội chính là dịp để người dân nơi đây hoài niệm về một thương cảng vốn nhộn nhịp, sầm uất thuở xưa đồng thời cũng chứng tỏ thời gian không thể xóa nhòa những giá trị văn hóa nhân bản, vì con người, làm cho đời sống con người, cộng đồng ngày một tốt đẹp hơn đã thấm sâu vào ký ức con người.
Những tinh hoa mang đậm bản sắc Việt đó tiếp tục đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người hôm nay. Trở thành tài sản văn hóa quý báu mà ông cha để lại, lễ hội này hiện đang thu hút khách du lịch đến ngày một nhiều. Lễ hội sẽ diễn ra từ nay đến hết ngày mùng 2 tháng 2 âm lịch.
Tác giả bài viết: Anh Tuấn
Nguồn tin: