Thế giới

Biển Đông và ngoại giao “phá băng” giữa Philippines và Trung Quốc

Ngày 8/8, cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos đã bắt đầu chuyến công du 5 ngày tới Hong Kong với tư cách là đặc phái viên nhằm “phá băng” quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc do vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.

"Người phá băng"

Cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos. (Ảnh: Getty)


Cựu Tổng thống Ramos, 88 tuổi, đã nhận lời Tổng thống Rodrigo Duterte để trở thành đặc phái viên tại Trung Quốc sau phán quyết của tòa trọng tài quốc tế ngày 12/7 bác yêu sách “đường chín đoạn” ở Biển Đông.

Ông Ramos nhấn mạnh, nhiệm vụ của ông là tìm cách cải thiện quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh chứ không phải là đàm phán về tranh chấp với giới chức Trung Quốc. Bất cứ phương án đàm phán nào còn phụ thuộc vào giới chức Philippines, không phải ở bản thân ông, ông Ramos cho biết trước khi rời Manila tới Hong Kong hôm qua. "Tôi chỉ là người phá băng", ông Ramos nói.

Người phát ngôn của Tổng thống Philippines Ernie Abella cũng xác nhận, ông Ramos tới Hong Kong để gặp gỡ với những người bạn cũ và có thể họ sẽ chơi với nhau vài trận golf".

Ông Ramos không nêu cụ thể “những người bạn cũ” mà ông sẽ gặp gỡ ở Hong Kong là ai nhưng nói rằng họ đều là những người đã về hưu hoặc không có quyền lực chính thức nhưng có thể giúp gây ảnh hưởng đối với các lãnh đạo Trung Quốc ở Bắc Kinh.

Richard Heydarian, phó giáo sư về các vấn đề quốc tế tại đại học De La Salle ở Manila, cho rằng xét về nhiều khía cạnh có thể nói ông Ramos là lựa chọn phù hợp cho nhiệm vụ "phá băng".

"Trong bối cảnh tranh chấp căng thẳng, việc tan băng quan hệ một sớm một chiều là điều dường như không thể", chuyên gia này cũng cho biết thêm.

Trong khi đó, Zhang Mingliang, chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á tại Đại học Tế Nam, nói rằng, nếu chuyến thăm Hong Kong suôn sẻ, ông Ramos có thể được mời tới Bắc Kinh, "còn nếu không ông có thể lập tức trở về Manila mà chẳng cần cảm thấy mất mặt". "Ông Ramos đến Hong Kong để đối thoại chứ không phải để đàm phán", một chuyên gia về Đông Nam Á nhận định.

Chuyến thăm của ông Ramos diễn ra chưa đầy 1 tháng sau khi tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết bác "đường chín đoạn" của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc đến nay vẫn ngang ngược không công nhận phán quyết và "ve vãn" Philippines bỏ qua phán quyết để nối lại đàm phán song phương. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, Philippines sẽ không bỏ qua phán quyết như Tổng thống Duterte đã tuyên bố, mọi đàm phán với Trung Quốc phải bắt đầu bằng phán quyết.

Ngoại giao song và đa phương kết hợp

Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân và Tổng thống Philippines Fidel Ramos hát vui vẻ cùng nhau năm 1996. (Ảnh: Huffington Post)


Ông Ramos làm Tổng thống Philippines từ năm 1992 đến năm 1998 khi Trung Quốc trắng trợn chiếm Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trước khi tiếp tục trắng trợn chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines năm 2012.

Chỉ 3 năm sau khi nhậm chức, chính quyền của ông Ramos đã phải đối đầu với việc Trung Quốc xâm chiếm vùng biển. Tuy nhiên, chính quyền của ông đã áp dụng phương thức không đối đầu cũng không thỏa hiệp, mà áp dụng phương pháp 4 mũi chiến lược nhằm đẩy lùi tham vọng lãnh thổ trên biển của Trung Quốc, truyền đạt lập trường của Philippines và thay đổi quỹ đạo tranh chấp.

Ban đầu, ông Ramos áp dụng một biện pháp mạnh, cân nhắc đến cả các phương án đáp trả quân sự. Tuy nhiên, vấn đề là khi đó chính quyền của ông “thừa hưởng” một quân đội năng lực hạn chế trong khi Mỹ không có sự hỗ trợ dứt khoát nào do lập trường trung lập về vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Ngoài ra, bản thân ông Ramos cũng nhận ra rằng không để tranh chấp lãnh thổ ảnh hưởng đến quan hệ song phương với Bắc Kinh nhất là khi Trung Quốc là đối tác kinh tế lớn của Philippines.

Và vì vậy, thay vì áp dụng biện pháp song phương hay đa phương thì ông Ramos đã áp dụng song phương và đa phương kết hợp. Một mặt, ông lập tức kích hoạt đối thoại cấp cao để hạ nhiệt căng thẳng. Tất nhiên, chiến tranh không phải là một phương án, mà quan trọng là ngăn Trung Quốc bành trướng ở các vùng biển thuộc chủ quyền Philippines.

Năm 1996, Chủ tịch Trung Quốc khi đó là ông Giang Trạch Dân sang thăm Philippines để bàn cách xử lý tranh chấp lãnh thổ và duy trì quan hệ song phương Trung Quốc-Philippines. Trong chuyến thăm này,ông Giang Trạch Dân thậm chí đã nhảy điệu cha cha cha và hát ca khúc “Love me Tender” để “lấy lòng” vị chủ nhà. Tuy nhiên, ông Ramos không dễ bị chinh phục, ông đã thúc đẩy quan hệ ngoại giao khu vực, tiếp đó là ASEAN gây sức ép nhằm buộc Trung Quốc phải ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 dưới thời Tổng thống Gloria Arroyo.

Ngoài ra, nhận thấy khoảng trống quyền lực sau khi quân đội Mỹ rút khỏi các căn cứ ở Philippines, ông Ramos đã tìm kiếm sự giúp đỡ của Mỹ bằng cách giám sát đàm phán rồi thông qua Thỏa thuận Các chuyến thăm quân sự (VFA). Thỏa thuận không chỉ làm giảm sự hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực mà còn tạo điều kiện để Mỹ hỗ trợ nhiều hơn cho quân đội Philippines.

Tất nhiên, ông Ramos không “đặt tất cả trứng vào một rổ”, ông đã thông qua Luật Hiện đại hóa quân đội Philippines nhằm giúp Philippines tiến dần tới mục tiêu tự phòng thủ.

Trong suốt gần 2 thập kỉ từ năm 1995 đến 2012, quan hệ Philippines và Trung Quốc vẫn khá êm thấm, trong khi những căng thẳng về tranh chấp trên biển cũng bị đóng băng.

Ông Ramos được ví như “Lý Quang Diệu của Philippines” và hiện giờ Tổng thống Duterte đã đặt niềm tin vào cựu chính khách này, hi vọng ông một lần nữa có thể giải quyết bài toán Trung Quốc ở Biển Đông.

Tác giả bài viết: Minh Phương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP